Ngày nay, công nghệ thông tin đóng một vai trò hết sức quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học, không có công nghệ thông tin thì nghiên cứu khoa học không thể phát triển một cách mạnh mẽ như bây giờ. Điều này thể hiện rất rõ trong lĩnh vực tự nhiên, với những đóng góp to lớn của công nghệ thông tin trong các ngành vật lý học, sinh học, hóa học v.v… Đối với khoa học xã hội nhân văn thì sao? Vai trò của công nghệ thông tin trong lĩnh vực này là như thế nào? Những đóng góp cụ thể của nó ra sao? Cần phải làm gì để tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu xã hội nhân văn nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học bằng công nghệ thông tin?

1. Công nghệ internet

            Website, email, forum…  là những công cụ hữu hiệu cho các nhà nghiên cứu XHNV thời kỳ hiện đại. Qua website, nhà nghiên cứu có thể khai thác rất nhiều kiến thức, thông tin phục vụ đề tài nghiên cứu của mình. Có những website đăng tải những công trình nghiên cứu khoa học miễn phí hoặc trả tiền, có những website thông tin về các hội thảo, tọa đàm khoa học, thậm chí có những website cho phép chúng ta tiếp cận các luận án, luận văn hoặc đề tài khoa học trong lĩnh vực xã hội và nhân văn. Những công cụ tìm kiếm như google, wikipedia… là những công cụ không thể thiếu đối với một nhà nghiên cứu XHNV thực thụ. Tuy nhiên, internet là một mạng lưới thông tin cực kỳ phức tạp với số lượng website cực kỳ lớn. Nhà nghiên cứu phải có phương pháp tiếp cận internet một cách có hiệu quả, phải biết chọn lựa và “gạn đục khơi trong” để không phải chìm nghỉm trong biển cả tri thức. Ví dụ như khi tìm kiếm thông tin trên google, nếu chúng ta không biết nhập từ khóa một cách khoa học thì chắc chắn kết quả tìm kiếm sẽ không được như ý muốn. Ngoài ra, các nhà khoa học đầu ngành có thể tự mình học hỏi để thiết kế một website, một  blog một forum cá nhân để trao đổi khoa học với các đồng nghiệp và với tất cả những ai quan tâp. Những mã nguồn mở như joomla, phpbb, wordpress, nukeviet… giúp chúng ta làm điều đó với một hiểu biết công nghệ thông tin sơ đẳng. Internet cũng là nơi mà các nhà nghiên cứu XHNV có thể công bố các công trình của mình để tăng thêm chỉ số trích dẫn. Trong lĩnh vực XHNV, có nhiều tạp chí điện tử thường đăng  tải các  bài báo nghiên cứu khoa học. Đó là cơ hội và cũng là thách thức cho những ai muốn tự đánh giá khả năng nghiên cứu, trình độ khoa học của mình.

2. Ebook, sách điện tử hay một cách đọc mới

            Có thể nói, việc tìm kiếm tư liệu là giai đoạn quan trọng nhất trong quy trình nghiên cứu khoa học. Nhà nghiên cứu XHNV phải có đầy đủ tư liệu thì công trình khoa học của mình mới có giá trị thực sự. Trong bối cảnh ở Việt Nam, điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn thì việc tiếp cận nguồn tư liệu Ebook là một giải pháp tốt, vừa hiệu quả vừa tiết kiệm. Có lẽ không có gì đơn giản hơn là tìm kiếm sách trên mạng rồi tải về, nếu đó là những Ebook miễn phí hoặc đặt mua đối với những Ebook trả tiền. Chỉ cần ở nhà hoặc ở cơ quan, với vài cú kích chuột cũng có thể tiếp cận được một nguồn tư liệu phong phú và bổ ích. Ngoài ra, nếu đầu tư thêm, nhà nghiên cứu XHNV có thể sở hữu một máy đọc sách điện tử với hàng trăm hàng ngàn cuốn sách mà mình có thể tham khảo bất cứ nơi nào, giờ nào.

3. Các phần mềm hỗ trợ

            Từ nhiều năm nay, nhiều thiết bị và phần mềm tin học đã được phát minh nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội và nhân văn: các phần mềm dịch thuật, thông kê xã hội học hay các phần mềm phân tích ngữ âm v.v… đã thực sự tạo ra một cuộc cách mạng trong nghiên cứu và giảng dạy. Các phần mềm dịch tự động có thể giúp nhà nghiên cứu hạn chế về ngoại ngữ có thể tiếp cận với tư liệu nước ngoài. Cho dù bản dịch không phải khi nào cũng được như mong muốn nhưng nhờ đó nhà nghiên cứu có thể hiểu sơ bộ bài báo hoặc cuốn sách mình đọc. Các nhà nghiên cứu xã hội học hoặc có sử dụng phương pháp xã hội học có thể viện đến phần mềm thống kê như SPSS (Statistical Package for Social Sciences), phần mềm cho phép xử lý số lượng các số liệu điều tra một cách chính xác, nhanh chóng và hiệu quả.

4. Sử dụng visioconference

            Công nghệ visioconference cho phép tổ chức các buổi seminaire, tọa đàm, hội nghị, trao đổi thông tin từ xa. Đây là công nghệ nên dùng trong trường hợp các diễn giả không có điều kiện gặp gỡ trực tiếp. Ở Pháp, công nghệ này thường được dùng cho các học viên cao học và nghiên cứu sinh để tạo điều kiện cho họ có thể đối thoại trực tiếp với các nhà nghiên cứu đầu ngành trên thế giới. Ngày nay, sự phát triển ấn tượng của công nghệ nghe nhìn cho phép nâng cao chất lượng âm thanh và hình ảnh và hạn chế tối đa những trục trặc về mặt kỹ thuật. Với công nghệ này, chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức một hội thảo khoa học quốc gia, thậm chí quốc tế một cách tiết kiệm. Và mỗi khi hội thảo khoa học được tổ chức một cách tiết kiệm thì các trường đại học có thể tổ chức nhiều hội thảo hơn, nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu khoa học. Ở phạm vi cá nhân, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp cận với các nhà khoa học đầu ngành qua visioconference bằng các công cụ cơ bản như yahoo messenger hay Skype.

            Nói tóm lại, dù ít hay nhiều, dù đơn giản hay phức tạp, từ kỹ năng đơn giản nhất như soạn thảo văn bản đến trình độ tiếp cận công nghệ cao, chúng ta có thể nói công nghệ thông tin đóng góp một phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Thiết nghĩ, các nhà quản lý giáo dục cần quan tâm hơn nữa đến công tác bối dưỡng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu khoa học nói chung và khoa học xã hội và nhân văn nói riêng. Nếu được như vậy, chúng ta có hoàn toàn có thể tin tưởng rằng các công trình nghiên cứu khoa học của các giáo viên đại học sẽ chất lượng hơn, và nhờ vậy, chất lượng giáo dục cũng sẽ được bảo đảm hơn.

                                                                                                                                                    Nguyễn Duy Bình