Thực hiện văn bản chỉ đạo của Nhà trường về việc tổ chức các hoạt động nhằm hỗ trợ cho sinh viên khóa mới nhập học và triển khai kế hoạch công tác năm 2024, sáng ngày 04/10/2024 Trung tâm Thông tin Thư viện Nguyễn Thúc Hào đã trang trọng tổ chức phiên khai mạc đợt Tập huấn - Hướng dẫn sử dụng thư viện cho sinh viên khóa 65. Tham dự Khai mạc có ThS. Nguyễn Đức Bình - Giám đốc, TS. Hoàng Ngọc Diệp, Phó Giám đốc và cán bộ Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào cùng đại diện các lớp sinh viên khóa 65.



        Thay mặt Ban Tổ chức, TS. Hoàng Ngọc Diệp đã phát biểu và nói lời chúc các thầy cô giáo và các bạn sinh viên luôn mạnh khỏe, đạt nhiều kết quả cao trong công việc, học tập, nghiên cứu. Đặc biệt, chúc các tân SV khóa 65 đã trở thành thành viên chính thức của mái trường Đại học Vinh thân yêu. Chúc các bạn có nhiều kỷ niệm đẹp trong quãng đời sinh viên của mình. Đồng thời, gửi lời nhắc nhở, nhắn nhủ, mong muốn tới các các bạn Tân sinh viên K65: “Thầy mong các bạn sẽ trở thành những độc giả nhiệt tình nhất, hăng say nhất, sử dụng nhiều nhất, khai thác nhiều nhất khối “tài sản” hiện có của Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào, Trường Đại học Vinh. Thư viện Nguyễn Thúc Hào luôn đón chào các bạn và hãnh diện khi các bạn chiếm lĩnh khối “tài sản” khổng lồ đó”.


(TS. Hoàng Ngọc Diệp quán triệt mục đích, yêu cầu của đợt Tập huấn - Hướng dẫn)


        Từ đó, khẳng định nội dung đợt Tập huấn - Hướng dẫn sử dụng thư viện cho sinh viên khóa 65 là cần thiết và góp phần hỗ trợ cho sinh viên trong quá trình học tập, nghiên cứu, rèn luyện tại Trường Đại học Vinh.

Đợt Tập huấn - Hướng dẫn dẫn sử dụng thư viện năm 2024 nhằm triển khai và đạt các mục đích như sau:

Thứ nhất: Giới thiệu khái quát về Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào và các nội quy, quy chế của Thư viện đối với bạn đọc;

Thứ hai: Trao đổi, chia sẻ các thông tin để sinh viên nắm rõ được cách thức, phương pháp tra cứu, khai thác nguồn tài liệu tại Thư viện truyền thống cũng như Thư viện số của Nhà trường và vị trí lưu trữ, phân loại các kho sách tại Thư viện;

Thứ ba: Trao đổi về vai trò, tầm quan trọng của sách, tôn vinh giá trị của sách. Tuyên truyền, chia sẻ các hoạt động phát triển văn hóa đọc. Từ đó, khích lệ, động viên, hình thành thói quen đọc sách, nâng cao ý thức tự học, tự nghiên cứu trong quá trình học tập của HSSV;

Thứ tư: Giới thiệu các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ hiện có tại Thư viện để phục vụ sinh viên trong quá trình học tập, nghiên cứu và rèn luyện;

Thứ năm: Chiếu video tuyên truyền các hoạt động chào mừng về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024.


        

(ThS. Lê Thị Vân Anh, Tổ trưởng Tổ Phân loại - Biên mục trao đổi về phương pháp, cách thức tìm kiếm, khai thác tài liệu trên phần mềm Kipos)

 

        Sau trao đổi, chia sẻ các nội dung ở phần lý thuyết, Ban Tổ chức phân chia lớp học thành các nhóm nhỏ để hướng dẫn thực hành trên máy tính (tại Phòng máy ở tầng 3 Thư viện) về tra cứu, tìm kiếm tài liệu trên phần mềm điện tử Kipos để mượn/trả tại các kho sách truyền thống. Đồng thời, thực hành khai thác nguồn tài liệu trên Thư viện số của Nhà trường và Thư viện số dùng chung (liên thư viện).


(Đ/c Hoàng Thị Nga, chuyên viên Tổ Thông tin hướng dẫn sinh viên thực hành tìm kiếm, khai thác tài liệu trên phần mềm Kipos và Thư viện số tại Phòng máy)


Hiện nay Thư viện số của Trường Đại học Vinh đã kí kết và kết nối dùng chung (liên thư viện) với 88 thư viện của các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.

 

(Danh mục các đơn vị kết nối thư viện số dùng chung, tính đến 8/2024)


        Hiện tại, cùng với nguồn thông tin, tài liệu phong phú, đa dạng, Thư viện Nguyễn Thúc Hào đang từng bước thực hiện các không gian mở, không gian tự học, không gian giải trí dành cho HSSV. Đây là một không gian học tập năng động với kiến trúc, nội thất, trang thiết bị công nghệ và cách thức tổ chức quản lí luôn hướng đến người dùng. Áp dụng mô hình này, người dùng thư viện có thể phát huy tối đa những không gian chung cho phép tự tra cứu, học, đọc tài liệu hoặc nghiên cứu, thảo luận về các vấn đề quan tâm, hoặc giải trí, thư giãn sau những giờ học ở giảng đường. Mô hình này cho phép người dùng chủ động tiếp cận tài liệu và sử dụng những trang thiết bị hiện đại mà không cần sự can thiệp của thủ thư. Không gian thư viện sẽ phát huy tối đa tính chủ động của người dùng trong việc tiếp cận tài liệu để tự học và thực hiện các hoạt động về thông tin, văn hóa, học thuật nhằm thu nhận, trao đổi, giao lưu, giải trí…


(Một trong những không gian tự học của HSSV tại Thư viện Nguyễn Thúc Hào)

 

Một số hình ảnh phiên khai mạc

 

 

 

 

 

 

 

 

(Bài, ảnh: Ngọc Diệp & Hải Yến - Thư viện NTH)