Còn nhớ, tháng 9/1980, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Ngoại  ngữ Hà Nội, tôi được Bộ Giáo dục phân công về giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Vinh. Cầm tờ giấy giới thiệu của Phòng Tổ chức cán bộ, tôi cùng bạn Nguyễn Xuân Bình đến gặp Thầy Lê Hồng Thi- Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại ngữ nhận nhiệm vụ. Thầy tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ, chỉ vẻn vẹn 6 m2 nhưng rất ngăn nắp, gọn gàng. Nhìn gương mặt phúc hậu, thái độ ân cần niềm nở của Thầy, bao nhiêu bỡ ngỡ, lo lắng trong tôi dường như tan biến. Nhưng tôi cũng chợt nghĩ: mình mệt rồi đây…! Mình là một kẻ hơi tự do trong giao tiếp, gặp phải một người chỉn chu như Thầy kiểu gì chả bị nhắc nhở, bị ràng buộc bởi khuôn phép mô phạm của người lãnh đạo trực tiếp.

Có thể nói, lúc bấy giờ, Thầy không phải là một người sắc sảo trong chuyên môn như những thầy cô khác trong Bộ môn. Nhưng ở Thầy lại hội tụ những tố chất của người đứng đầu đơn vị. Với tư cách Chủ nhiệm bộ môn, Thầy luôn luôn giao nhiệm vụ cho các tổ, Chi đoàn giáo viên tìm mọi cách để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Vì Bộ môn chưa có kinh phí để mời các Giáo sư đầu ngành ở Hà Nội về giảng bài, nên chúng tôi được tạo điều kiện tân dụng mọi cơ hội học “ké”. Số là, hồi đó khoa Ngữ văn, hầu như học kỳ nào cũng có các chuyên đề được các thầy ở Hà Nội về giảng. Tận dụng khoảng thời gian quý báu ấy, chúng tôi đề xuất với Thầy xin được phép thụ giáo các Giáo sư vào buổi tối. Nhờ vậy, cán bộ giảng dạy Bộ môn lúc đó được tiếp cận PRAGMATICS do Giáo sư Đỗ Hữu Châu lên lớp, thao tác dịch thuật do Giáo sư Phan Ngọc chia sẻ, ngữ âm tiếng Việt của Giáo sư Nguyễn Quang Hồng, sau này Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu của Giáo sư Lê Quang Thiêm, văn hóa học được khai sáng bởi Giáo sư Phạm Đức Dương. Thấy các giảng viên ngoại ngữ là dân “ngoại đạo” mà đam mê ngôn ngữ, các Giáo sư quý lắm; có hôm thầy trò say sưa trao đổi  đến tận 11 giờ đêm dưới ánh điện vàng vọt trong phòng học nóng bức. Nhưng người thẳng thắn thức tỉnh giảng viên Khoa chúng ta trong nghiên cứu khoa học  lại chính là Giáo sư Nguyễn Quang Hồng, có lần lên lớp thầy gợi ý: “nếu các thầy cô cứ đi dạy tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp cơ bản mãi thế này rồi kiến thức dần sẽ mai một đi”. Từ đó, Thầy Lê Hồng Thi bắt đầu gây sức ép buộc chúng tôi phải học Cao học. Giờ đây, chúng ta không thể tưởng tượng nổi cuộc sống của giáo viên những năm 80 khó khăn đến nhường nào. Lo ăn, lo mặc, cho gia đình con cái còn vất vả, giờ lại khăn gói ra Hà Nội học thì biết tính sao đây! Một số giảng  viên trong lòng thầm “trách  sao Thầy ác quá” chỉ bắt đi học, mà không thông cảm tạo điều kiện cho anh em đi phiên dịch xuất khẩu lao động để đỡ đần cho gia đình. Nhưng chính nhờ sự thúc ép của Thầy, nên sau này khoa chúng ta mới có được PGS.TS Lê Đình Tường, PGS. TS. Lê Công Thìn, TS. Nguyễn Xuân Bình, TS. Vũ Thị Hà… Khi Bộ môn đã trở thành Khoa, thì với những chuyên ngành còn mới mẻ của tiếng Anh, tiếng Pháp được phép mời những thầy, cô giáo giỏi của trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội về lên lớp cho sinh viên. Đây là cơ hội để giảng viên cùng dự giờ, cùng học, cùng tham gia giảng dạy để từng bước làm chủ chuyên môn, nâng cao trình độ giảng dạy.

Không chỉ tận tâm trong công tác chuyên môn, trong cuộc sống, Thầy lại là người cân bằng được cá tính của anh chị em trong Bộ môn. Hồi đó, nhiều thầy gai góc lắm! Họp Bộ môn, lớp trẻ chúng tôi ngồi nghe các thầy phát biểu mà rụng hết cả hồn, còn tâm trí đâu mà tham gia ý kiến. Tuy nhiên, những tranh luận to tiếng chỉ dừng lại ở các  cuộc họp. Trong cuộc sống anh chị em  lại trân quý  nhau vô cùng. Và, người tập hợp anh em chúng tôi lại không ai khác là Thầy Lê Hồng Thi. Cứ vào những ngày cuối tuần, căn phòng nhỏ của Thầy là nơi xôm tụ nhất (bởi theo quy định chung, dù có tranh thủ về thì tối Chủ nhật cán bộ, công nhân viên phải có mặt ở trường). Hôm nào tinh tươm thì có rượu, có lạc còn không thì chỉ bát nước chè xanh. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng những câu chuyện về gia đình, về cuộc sống, về dự định tương lai khởi nguồn từ đây. Thầy cứ lặng lẽ chuẩn bị dọn dẹp, phục vụ kệ chúng tôi la hét, vui đùa. Cái thời khốn khó ấy, nhà nhà tranh thủ làm thêm để nuôi con ăn học, ai cuộn thuốc lá, may vá hay bóc lạc thì được xem là chăm chỉ, ai chạy chợ, mua đi bán lại  thì mang tiếng xấu. Không ngại ngần, Thầy đã  âm thầm bảo vệ cán bộ của mình trước lãnh đạo trường về những thông tin sai lệch. Nếu không có sự bảo lãnh của Thầy, chắc một số giảng viên của Bộ môn bị khiển trách thậm chí bị nhà trường kỷ luật.

Nghỉ hưu, về vui thú điền viên ở xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu. Thỉnh thoảng Thầy vào Vinh thăm con cháu. Mỗi lần như thế, Thầy lại gọi điện chúng tôi đến hàn huyên ôn chuyện cũ. Đáng buồn, sau ba lần tai biến, Thầy không thể nói năng, đi lại một cách dễ dàng và hiếm khi vào Vinh. Lâu lâu, chúng tôi ra thăm Thầy, hoặc có dịp đi qua nhà chúng tôi tạt vào mươi lăm phút. Ánh mắt Thầy vẫn lạc quan, ân cần như xưa, Thầy hỏi thăm từng người một. Đặc biệt, Thầy vui mừng về sự lớn mạnh của Khoa Sư  phạm Ngoại ngữ chúng ta.

Với tôi, tôi thấy mình thật may mắn khi ban đầu bỡ ngỡ bước chân vào nghề giáo được gặp Thầy. Thầy thực sự là một người Thầy của tôi trên mọi phương diện.

PGS.TS. Ngô Đình Phương

Giảng viên Khoa SP Ngoại ngữ

Nguyên Trưởng Khoa Ngoại ngữ

Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh