1. Đối tượng nghiên cứu của luận án là thành ngữ chỉ quan hệ xã hội vì đây được xem là đối tượng thể hiện mối liên hệ giữa ngôn ngữ, sự ý niệm hóa và kinh nghiệm. Tình bạn, tình yêu, hôn nhân là các mối quan hệ xã hội cơ bản nhất của con người, dựa trên cơ sở tự nguyện và mức độ thân mật, có mối quan hệ biện chứng với nhau: tình bạn được xem là cơ sở cho tình yêu nam nữ, còn tình yêu là nền tảng của hôn nhân.


2. Tiếp cận nghiên cứu thành ngữ từ góc độ NNH tri nhận, luận án chú trọng đến mối quan hệ tương tác của các yếu tố: miền nguồn, miền đích, ánh xạ, cơ sở trải nghiệm, biểu đạt ngôn ngữ, mô hình văn hóa. Trên cơ sở phân tích đặc điểm ngữ nghĩa, cơ sở tri nhận và đặc trưng văn hóa của các ẩn dụ ý niệm về quan hệ xã hội trong thành ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, luận án cho thấy nguồn gốc của sự tương đồng và khác biệt bao gồm tính nghiệm thân, kinh nghiệm văn hóa xã hội và quá trình tri nhận. Luận án nhấn mạnh đến mối liên hệ chặt chẽ với sự trải nghiệm của con người thể hiện trong thành ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Trong đó, quá trình ý niệm hóa ẩn dụ dựa vào trải nghiệm vật chất với những yếu tố liên quan đến nhu cầu cơ bản của con người như ăn, ở, ngủ, đi lại rất phổ biến trong thành ngữ tiếng Việt. Yếu tố văn hóa cũng tác động đến quá trình ý niệm hóa các mối quan hệ xã hội.

3. Bên cạnh những điểm giống nhau giữa các ẩn dụ ý niệm về ba mối quan hệ xã hội trong thành ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, luận án còn chỉ ra được những đặc điểm khác biệt. Thứ nhất, hôn nhân là ý niệm sâu sắc nhất, rõ nét nhất trong đời sống của người Việt, còn trong tiếng Anh là tình yêu. Thứ hai, các biểu đạt ngôn ngữ được sử dụng phản ánh những cách thức khác nhau trong tư duy của người bản ngữ. Các yếu tố liên quan đến miền nguồn sợi dây ràng buộc, sự hợp nhất, ngôi nhà, thức ăn, v.v.. xuất hiện nhiều trong các thành ngữ tiếng Việt. Trong khi đó, thành ngữ tiếng Anh có cơ sở tri nhận liên quan đến cuộc hành trình, cuộc chiến, giao tiếp, vật sở hữu, v.v.. phổ biến hơn. Điều này cho thấy người Việt nhấn mạnh đến khía cạnh bền vững, ổn định của mối quan hệ, trong khi đó, người bản ngữ nói tiếng Anh có xu hướng tập trung vào tính động và phát triển của các mối quan hệ này.

4. Cơ chế hình thành nghĩa của các thành ngữ biểu thị quan hệ xã hội được đặt trong sự tương tác với văn hóa và môi trường. Điều này khiến cho các ngôn ngữ có những nét tương đồng và dị biệt. Việc giảng dạy ngoại ngữ nói chung, thành ngữ nói riêng cần linh hoạt; trong đó, chú ý khai thác các đặc điểm mang tính phổ quát ở các ngôn ngữ, đồng thời, nhấn mạnh đến các đặc trưng văn hóa riêng có của mỗi ngôn ngữ, nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập.

 

 Nguyễn Thị Kim Anh