Link thông báo: thu_moi_hoi_nghi.pdf

Ngày 7 tháng 9 năm 2017, Tiến sĩ  Rob Waring, thuộc Notre Dame Seishin University, chuyên gia hàng đầu về Extensive reading, đã chủ trì hội thảo "Extensive Reading as a Method to Develop English Language Proficiency" (Đọc mở rộng như là phương pháp phát triển năng lực Anh ngữ). Đến dự có PGS.TS. Ngô Đình Phương, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Trần Bá Tiến, Trưởng Phòng Đào tạo, TS. Nguyễn Thị Kim Anh, Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa Sư phạm Ngoại ngữ cùng đông đảo các giảng viên, sinh viên Khoa Sư phạm Ngoại ngữ và các giáo viên tiếng Anh của các trường cao đẳng, đại học lân cận.Save Lưu

Bằng khả năng thuyết trình thuyết phục, với kiến thức sâu rộng, tiến sĩ Rob Waring đã trình bày rất cặn kẽ, dễ hiểu về extensive reading và ích lợi của extensive reading trong giảng dạy tiếng Anh.

Hội thảo diễn ra cả ngày và kết thúc bằng cuộc trao đổi giữa tiến sĩ Rob Waring với các giảng viên và sinh viên có mặt. Sau đây là một số hình ảnh ghi lại tại Hội thảo và bài giới thiệu sơ lược về extensive reading.



Extensive Reading (gọi tắt là ER) là phương pháp đọc cho phép sinh viên đọc những cuốn sách dễ và thú vị để rèn luyện kỹ năng đọc nhanh và đọc lưu loát. Mục tiêu chính của ER là giúp sinh viên nâng cao kỹ năng đọc, thay vì chỉ đọc để học ngoại ngữ. Khi đọc mở rộng, sinh viên đọc theo phương pháp NHAK:

Nhanh và

Hứng thú với mức độ

Am hiểu bài đọc đủ để

Không cần dùng từ điển

Để sinh viên đọc nhanh và lưu loát (ít nhất 200-250 từ một phút), bài đọc cần phải dễ. Việc có quá nhiều từ khó trong bài đọc sẽ làm chậm chuyển động mắt khi đọc, ảnh hưởng đến khả năng đọc hiểu của sinh viên, khiến mục tiêu ban đầu là đọc lưu loát trở thành dạng ‘đọc nghiên cứu’ (study reading).

Extensive Reading còn được biết đến như Graded Reading (Đọc theo cấp độ) hoặc Sustained Silent Reading (Đọc thầm bền vững). 

Tại sao nên thực hiện Extensive Reading?

Extensive Reading đem lại nhiều lợi ích cho việc học ngoại ngữ. Extensive Reading:

  • 1cho phép sinh viên tiếp xúc với ngôn ngữ tự nhiên và hiểu được cách ngôn ngữ này vận hành trong các bối cảnh thực tế ngoài sách vở.
  • 2xây dựng vốn từ vựng. Khi đọc nhiều sách, sinh viên sẽ nhiều lần gặp lại các từ và cấu trúc từ, giúp sinh viên hiểu rõ chức năng từ và đoán từ vựng hoặc điểm ngữ pháp nào có thể xuất hiện tiếp theo.
  • 3giúp sinh viên rèn luyện tốc độ đọc và khả năng đọc lưu loát, từ đó sinh viên xử lý ngôn ngữ một cách tự động hơn và cho phép bộ nhớ xử lý những thông tin khác.
  • 4tăng sự tự tin, động lực, sự thích thú và niềm yêu thích đọc sách, giúp sinh viên trở thành người học ngoại ngữ hiệu quả hơn. Nhờ đó, sinh viên có thể giảm những cảm giác lo âu về việc học ngoạingữ.
  • 5cho phép sinh viên đọc hoặc nghe rất nhiều tiếng Anh ở đúng (hoặc trong khoảng) trình độ ngoại ngữ của mình, từ đó các thói quen tốt về kỹ năng đọc và nghe của sinh viên sẽ tiến bộ hơn.
  • 6giúp sinh viên hiểu được cách sử dụng văn phạm trong ngữ cảnh. Các cấu trúc ngôn ngữ thường được trình bày trong sách giáo khoa và những tài liệu học khác, tuy nhiên những cấu trúc này lại không được sử dụng nhiều trong các ngữ cảnh đa dạng, dẫn đến việc sinh viên không hiểu sâu về cách sử dụng cấu trúc. 
  • Extensive Reading (Đọc mở rộng) và Intensive Reading (Đọc chuyên sâu)

    ‘Học để đọc’ và ‘Đọc để học’ là hai phương pháp hoàn toàn khác biệt nhau. Cả hai đều là các dạng đọc mang lại giá trị cho việc học, nhưng lại có mục tiêu khác nhau. Đối với phương pháp ‘đọc để học’ (Intensive Reading), sinh viên đọc một đoạn văn với mục đích học ngoại ngữ -có thể là một vài từ mới hay một điểm ngữ pháp nào đó. Chúng ta có thể gọi dạng đọc này là ‘đọc nghiên cứu’ (study reading). Đây là dạng đọc điển hình mà rất nhiều sinh viên áp dụng khi đọc sách giáo khoa. Các đoạn văn trong sách thường ngắn nhưng lại có nhiều từ ngữ mà sinh viên không biết. Ngoài ra, các bài đọc trong sách còn được thiết kế kèm với những hoạt động trước khi đọc và sau khi đọc, cũng như câu hỏi đọc hiểu. Mục tiêu chính của dạng đọc này là giúp dạy ngoại ngữ hoặc một kỹ năng đọc nào đó, như là đoán chủ đề của bài đọc từ tiêu đề, hoặc đưa ví dụ về thì Quá khứ đơn mà sinh viên sẽ học sau bài đọc.

    Đối với phương pháp ‘học để đọc’ (Extensive Reading), sinh viên thực hành kỹ năng đọc bằng cách đọc để lấy thông tin – ví dụ như đọc một cuốn sách với mục đích thưởng thức câu chuyện mà không hề ý thức rằng mình đang học. Mục tiêu của dạng đọc này là giúp sinh viên rèn luyện khả năng đọc lưu loát mà không cần phải học những kiến thức mới (mặc dù sinh viên vẫn có thể học được vài điều), và mở rộng kiến thức ngoại ngữ mà sinh viên đã từng học qua và hiểu hơn về cách những yếu tố ngôn ngữ kết hợp với nhau trong giao tiếp. Điều này cho phép sinh viên xử lý ngôn ngữ nhanh hơn cũng như tăng khả năng đọc hiểu và niềm yêu thích đọc. Sinh viên còn có thể ‘học để đọc’ bằng cách rèn luyện các kỹ năng đọc và chiến lược đọc, cũng như thực hành những hoạt động đọc nhanh được thiết kế để tăng tốc độ đọc hiểu và đọc lưu loát.

    Hai dạng đọc này bổ sung cho nhau. Intensive Reading giới thiệu các yếu tố ngôn ngữ mới cho sinh viên, trong khi Extensive Reading giúp sinh viên thực hành các yếu tố ngôn ngữ đó và hiểu sâu hơn về chúng. Chúng ta có thể so sánh Intensive Reading với việc học lái xe ở trường, còn Extensive Reading được xem như lái xe thật sự trên đường. Cả hai đều cần thiết như nhau. Extensive Reading thường được thực hành với dòng sách graded readers. 

  • Các dạng đọc Extensive Reading

    Trong đa số các khoá học Extensive Reading, sinh viên được tự lựa chọn sách để đọc hoặc sách mình có thể đọc lưu loát. Điều này có nghĩa tất cả sinh viên đọc các sách khác nhau và trong ‘vùng an toàn’ (comfort zone) của mình. Cách đọc này được gọi là đọc cá nhân, hoặc đọc tự chọn, và còn được biết đến như Đọc thầm bền vững (Sustained Silent Reading – SSS) hoặc Gác mọi thứ để đọc sách (Drop Everything and Read – DEAR). Sinh viên tự lựa sách từ thư viện (với sự hướng dẫn của giáo viên nhằm đảm bảo sinh viên đang đọc sách đúng với trình độ của mình ở tốc độ đọc thích hợp), và sinh viên có thể đọc trong tiết học trên lớp hoặc mang về nhà đọc.

    Một vài khoá học cho phép sinh viên cùng đọc một cuốn sách trong giờ học hoặc đọc như bài tập về nhà, thường là đọc theo chương trong vài tiết học. Đối với dạng đọc Extensive Reading này, thông thường giáo viên chuẩn bị cho việc đọc của sinh viên bằng cách tổ chức vài hoạt động trước khi đọc, ví dụ như đoán nội dung của bài đọc hoặc dạy trước một vài từ khoá trong bài. Việc đọc thường được theo sau với các câu hỏi đọc hiểu, thảo luận và làm bài tập ngôn ngữ hoặc các hoạt động khác.

    Việc đọc được xem là ‘mở rộng’ chỉ khi sinh viên đọc nhanh, hiểu bài đọc và không cần dùng từ điển. Nếu tốc độ đọc quá chậm, điều này đồng nghĩa sinh viên cần sử dụng từ điển nhiều hơn, và cách đọc này không được xem là ‘mở rộng’. 

    Các thắc mắc và giải đáp về ER

    Phần này sẽ trả lời những câu hỏi phổ biến mà giáo viên thường đặt ra về Extensive Reading.

    Nếu chỉ cho sinh viên đọc sách, vai trò của giáo viên là gì?

    Bởi vì giáo viên không dạy không có nghĩa là việc học ngừng lại. Khi sinh viên đọc, giáo viên có thể trao đổi riêng với từng sinh viên để kiểm tra liệu sinh viên có đang đọc sách đúng trình độ của mình, sinh viên có đang thích thú đọc sách không, hoặc sinh viên đã đọc xong chưa. Giáo viên có thể cùng đọc sách ngoại ngữ để sinh viên thấy giáo viên cũng đang tham gia việc đọc.

    Tại sao sinh viên không chịu đọc sách?

    Có rất nhiều lý do:

    • Sách quá khó và không hay đối với sinh viên.
    • Sinh viên quá bận và có nhiều bài tập cho các môn học khác.
    • Sinh viên không thích đọc sách. Một vài sinh viên thích nghe audio truyện hơn là đọc.
    • Việc đọc sách không bắt buộc nên sinh viên có quyền không chọn đọc. Vì vậy, việc đọc sách nên trở thành hoạt động bắt buộc.
    • Giáo viên không kiểm tra thường xuyên sinh viên có hoàn thành việc đọc sách hay không.
    • Sinh viên cần được khích lệ đọc nhiều hơn.

     

    Sinh viên nên đọc bao nhiêu sách?

    Theo các nghiên cứu, sinh viên nên đọc một cuốn sách mỗi tuần hoặc nhiều hơn tùy theo trình độ của mình.

    Sinh viên khá bận rộn với việc học. Làm sao giáo viên có thể thực hiện đọc mở rộng khi không đủ thời gian trong thời khoá biểu?

    Giáo viên và nhà trường có thể không chọn thực hiện Extensive Reading, nhưng điều này đồng nghĩa với việc sinh viên không:

     

    • thực hành các kỹ năng đọc và nâng cao tốc độ đọc.
    • tiếp cận nhiều yếu tố ngôn ngữ để hiểu sâu hơn về các điểm văn phạm và từ vựng sẽ gặp trong sách giáo khoa

     

    có được cảm giác hài lòng khi có thể đọc lưu loát tiếng Anh. Vì vậy, nhà trường nên xem xét việc đưa Extensive Reading vào chương trình học bắt buộc của trường.

    Làm sao giáo viên có thể thực hiện ER khi phải dạy sinh viên thi đậu trong các kì thi?

    Lý do chính khiến nhiều sinh viên làm bài không tốt trong các kỳ thi TOEFL hoặc TOEIC là do sinh viên không thể đọc đủ nhanh để làm xong bài. Nếu sinh viên có thể đọc lưu loát, sinh viên sẽ đọc các đoạn văn nhanh hơn và hiểu tốt hơn. Hơn nữa, việc chỉ đọc những đoạn văn ngắn từ các sách luyện thi sẽ không giúp sinh viên thực hành đủ để rèn luyện kỹ năng đọc lưu loát. Vì thế, sinh viên cần đọc các sách dài hơn trong Extensive Reading. Nghiên cứu cho thấy nếu dành cùng một khoảng thời gian, sinh viên thực hành đọc mở rộng sẽ làm bài thi tốt hơn so với các sinh viên chỉ tập giải các đề thi.

    Sinh viên không chịu ngừng đọc một cuốn sách quá khó, giáo viên nên làm gì?

    Điều này không phải là vấn đề lớn nếu sinh viên có đủ kiến thức nền và thật sự thích cuốn sách đó. Tuy nhiên, nếu sinh viên cảm thấy buồn chán và không có động lực đọc, giáo viên nên động viên sinh viên ngừng đọc cuốn sách đó, và gợi ý sẽ quay lại đọc tiếp khi trình độ của sinh viên tăng lên. Hoặc là, giáo viên có thể tìm một cuốn sách khác phù hợp hơn với khả năng của sinh viên.

    Giáo viên có nên bắt buộc sinh viên đọc hay cho sinh viên tự nguyện đọc?

    Cách lý tưởng nhất là cho sinh viên tự nguyện đọc, nhưng thông thường sinh viên sẽ không tham gia với lý do bận rộn, dù cho sinh viên biết được lợi ích của việc đọc. Nếu việc đọc mở rộng chỉ là tự chọn, sẽ rất nhiều sinh viên không chọn tham gia. Giáo viên nên giải thích tại sao, bằng cách nào, việc đọc sách sẽ có ích cho sinh viên, đồng thời giới thiệu ER như một phần bắt buộc của khóa học, không phải là tuỳ chọn.

    Sinh viên có thể đọc khi nào?

    Hầu hết sinh viên đều có ít thời gian ‘rảnh’ trong ngày để đọc sách. Nếu trên lớp không có đủ thời gian cho giờ đọc sách, sinh viên nên cố gắng tìm một thời điểm để đọc trong ngày, ví dụ như trước khi đi ngủ, trước giờ ăn tối, hoặc trên xe buýt đến trường.

    Khi nào sinh viên có thể bắt đầu sử dụng sách graded readers?

    Khi bắt đầu tự thực hiện đọc mở rộng, sinh viên cần làm quen với bảng chữ cái, có khả năng nhận biết khoảng một trăm từ vựng hoặc các từ thông dụng, và biết vài điểm ngữ pháp căn bản. Các dòng sách graded readers dễ nhất đều bắt đầu từ cấp độ rất thấp, giúp việc tiến hành ER diễn ra sớm (xem trang 18). Trong tiếng Anh, cách phát âm của một từ không phải luôn giống với cách viết từ đó, vì vậy khoá học về ngữ âm sẽ có ích, hoặc cần thiết cho vài sinh viên.

    Sinh viên có thể sử dụng từ điển khi đọc không?

    Khi đọc để rèn luyện kỹ năng đọc lưu loát và đọc nhanh, sinh viên nên bắt đầu từ những cuốn sách dễ và hay. Nếu sinh viên dò từ quá nhiều lần trong khi đọc, cuốn sách có thể quá khó với sinh viên, và vì vậy sinh viên nên đọc sách khác dễ hơn.

    Sinh viên có nên đọc to?

    Giáo viên nên thỉnh thoảng đọc truyện cho sinh viên để giúp sinh viên biết được cách phát âm của từ, đồng thời học ngữ điệu phát âm trong câu. Nếu không thoải mái với việc đọc to, giáo viên có thể sử dụng audio sách. Tốc độ đọc nhanh hơn tốc độ nghe (nói), vì vậy dù hoạt động vừa đọc vừa nghe có thể đem lại vài lợi ích, hoạt động này cũng chỉ nên là một phần nhỏ trong khoá học. Tuy nhiên, nhiều sinh viên không thích việc đọc to trong lớp vì cảm thấy lo lắng về cách phát âm và sợ xấu hổ nếu phát âm sai. Ngoài ra, việc đọc to và suy nghĩ cùng lúc sẽ rất khó, dẫn đến việc đọc sẽ trở nên chậm với giọng đọc ngang. Vì thế, sinh viên cần phải thực hành nhiều để đạt kết quả tốt.

    Giáo viên có thể cho sinh viên dịch bài đọc sang tiếng Việt không?

    Một đặc điểm chính của Extensive Reading là chọn lựa sách mà sinh viên có thể đọc nhanh với mức độ hiểu cao. Điều này cho phép sinh viên xử lý ngôn ngữ bằng tiếng Anh nhanh và tự động. Việc yêu cầu sinh viên dịch phần đọc sang tiếng Việt sẽ khiến sinh viên phải ‘vòng’ trở lại với ngôn ngữ bản xứ của mình, gây phản tác dụng trong hệ thống xử lý ngôn ngữ tự động. Trong Intensive Reading với các bài đọc khá khó, sinh viên có thể thỉnh thoảng dịch bài để hỗ trợ việc đọc hiểu.

    Có phải sinh viên chỉ đọc sách graded readers để rèn luyện đọc lưu loát?

    Không phải. Sinh viên có thể đọc bất kì thể loại sách nào để thực hành đọc nhanh và đọc lưu loát. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy các sinh viên chỉ đọc sách graded readers có khả năng đọc lưu loát tăng cao hơn nhiều so với sinh viên đọc cả sách graded readers và sách không được viết tinh gọn lại. Các khoá luyện đọc nhanh cũng đem lại hiệu quả cao và hỗ trợ tốt cho Extensive Reading.

    Sách bị thất lạc, giáo viên phải làm sao?

    Việc mất sách là chuyện ‘bình thường ở huyện’, đặc biệt đối với những cuốn sách hay, vì vậy giáo viên nên có nhiều bản sách dự phòng. Sách bị mất không có nghĩa là sinh viên trộm sách, mà có thể do làm mất hoặc quên trả, và sinh viên cảm thấy xấu hổ không thể nói ra. Giáo viên nên đặt các tờ ghi chú quanh trường, thông báo sinh viên có thể trả sách vào ‘thùng sách’ đặt ngoài phòng giáo viên bất cứ lúc nào.

    Phụ huynh có nên tham gia vào việc đọc sách?

    Cho sinh viên đem sách về nhà là một cách rất hay để phụ huynh nhận thấy sự quan tâm của nhà trường đối với việc học của con mình. Học sinh nhỏ tuổi có thể đọc sách với bố mẹ, hoặc đọc sách cho bố mẹ nghe. Giáo viên khuyến khích sinh viên dành một khoảng thời gian trong ngày hoặc trong tuần để cùng đọc sách với bố mẹ hoặc anh chị em (có thể trước giờ ngủ, sau giờ cơm tối…), từ đó tạo nên thói quen đọc sách. Một vài trường học còn yêu cầu phụ huynh điền vào tờ phiếu để kiểm tra xem sinh viên có hiểu bài đọc và có thích thú với việc đọc sách hay không. Điều này còn giúp thắt chặt quan hệ giữa nhà trường và gia đình.

    Làm thế nào để giáo viên giúp sinh viên có động lực đọc sách?

    Giúp sinh viên giữ được động lực cao trong việc đọc là chìa khoá dẫn đến thành công. Sau đây là vài gợi ý:

    • Mỗi sinh viên bắt cặp với một bạn khác, cùng chia sẻ những kinh nghiệm đọc hoặc vấn đề khi đọc.
    • Giáo viên trao giải thưởng cho sinh viên đọc nhiều sách nhất, sinh viên có bài báo cáo hay nhất, sinh viên có tốc độ đọc tăng nhiều nhất…
    • Sinh viên cùng giáo viên lựa chọn sách cho thư viện và hỗ trợ quản lý hệ thống mượn, trảsách.
    • Giáo viên khuyến khích sinh viên đóng góp ý kiến về cách trang trí thư viện và gian trưng bày sách.
    • Giáo viên cho sinh viên bình chọn 10 cuốn sách hay nhất trong thư viện.