Kính thưa các quí vị đại biểu , các Thầy giáo, cô giáo .
Cùng các em sinh viên thân mến.
Được sự đồng ý của Đảng uỷ, Ban giám hiệu trường Đại học Vinh, hôm nay Khoa Ngoại ngữ long trọng kỉ niệm quá trình 50 năm dạy và học Ngoại ngữ tại trường Đại học Vinh và 15 năm ngày thành lập khoa Ngoại ngữ. Trước hết, cho phép tôi thay mặt ban tổ chức chân thành cảm ơn sự có mặt của lãnh đạo nhà trường, của quí vị đại biểu, quí thầy cô giáo đã từng giảng dạy tại khoa, các cựu sinh viên không quản đường xa, đã về dự ngày hội truyền thống này.
Kính thưa quí vị đại biểu,sự phát triển của khoa Ngoại ngữ đã được đánh dấu bằng những mốc thời gian có tính lịch sử như sau:
Những ngày đầu thành lập, Trường mới chỉ có 2 khoa Toán và Văn, thầy giáo Nguyễn Hữu Phúc đã được điều động về làm cán bộ giảng dạy môn tiếng Nga. Chương trình giảng dạy Ngoại ngữ hoàn toàn do các giáo viên tự biên soạn. Đến ngày 6 tháng 1 năm 1964 Nhà trường ra quyết định thành lập Tổ Nga văn. Cán bộ giảng dạy vẻn vẹn chỉ có 6 đồng chí đảm nhận dạy tiếng Nga cho các khoa Văn, Toán, Lý, Hoá, Sinh. Tổ Nga văn thành lập chưa được bao lâu thì giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Trường phải rời thành phố Vinh sơ tán về các vùng quê nông thôn và miền núi. Từ Thạch Thành (Thanh Hoá) trở về Nghệ An, các Khoa ở cách xa nhau hàng chục cây số, giáo viên Ngoại ngữ phải phân chia về sinh hoạt với các Khoa khác nhau.Ví dụ: như khoa Toán ở Quỳnh Diễn , khoa Lý ở Hoàng Mai, khoa Hoá ở Quỳnh Dị, khoa Văn ở Quỳnh Văn... Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, việc tham khảo tài liệu, giáo trình hết sức khó khăn, giáo viên phải tự tìm tòi biên soạn bài giảng cho sinh viên nơi Khoa mình công tác. Mặc dù bị cản trở về mặt không gian, nhưng việc sinh hoạt chuyên môn vẫn được duy trì đều đặn hàng tháng.
Đến năm học 1970- 1971, số giáo viên đã tăng lên 20 đồng chí, được phân công giảng dạy cho các khoa: Toán, Lý, Hoá, Sinh, Sử, khoa cấp 2 và một lớp chuyên tu cho cán bộ giảng dạy.
Đến năm 1973, khi chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ chấm dứt, trường ĐHSP Vinh lại trở về thành phố Vinh.Nhà trường bước vào một giai đoạn phát triển mới. Lúc này tổ tiếng Nga được đổi tên thành tổ Ngoại ngữ với 3 thứ tiếng: Nga, Anh, Pháp. Cán bộ giảng dạy được bổ sung trên nhiều phương diện nhiều hơn về số lượng, mạnh hơn về chuyên môn.
+ Từ ngày thành lập Bộ môn Ngoại ngữ đến ngày thành lập Khoa Ngoại ngữ (1978-1994)
Kể từ năm học 1978- 1979, Nhà trường ra quyết định thành lập Bộ môn Ngoại ngữ, một trong 3 bộ môn chung trực thuộc trường, và được chia thành 3 tổ: tổ Tự nhiên, tổ Xã hội, và tổ Pháp. Riêng tiếng Anh chưa đưa vào giảng dạy ở các khoa đào tạo, nên số giảng viên tiếng Anh về làm việc với phòng Nghiên cứu khoa học để biên dịch tài liệu. Các tổ Tự nhiên, tổ Xã hội và tổ tiếng Pháp đã có giáo trình thống nhất giảng dạy các Khoa và các lớp chuyên tu. Ngay khi Nhà trường được Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép đào tạo Sau đại học, bộ môn Ngoại ngữ được giao nhiệm vụ giảng dạy tiếng Nga cho các lớp Sau đại học đầu tiên.
Từ năm học 1979 trở đi hầu hết các cán bộ giảng dạy tiếng Nga được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi thực tập 3 tháng, 9 tháng tại Liên xô để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Năm 1992, Nhà trường điều động 4 cán bộ giảng dạy môn Hán nôm của khoa Văn về bộ môn Ngoại ngữ, cũng từ đó bộ môn Ngoại ngữ có 4 tổ độc lập: Anh, Nga, Pháp, Trung. Song song với việc đào tạo ngoại ngữ cho các Khoa, bộ môn Ngoại ngữ cùng với Trung tâm ngoại ngữ mở rộng liên kết đào tạo với các trường đại học, phổ thông, các cơ quan, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh góp phần tích cực vào việc đào tạo nhân lực cho xã hội.
Đầu năm 1992, Trung tâm ngoại ngữ và Bộ môn Ngoại ngữ liên kết với trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội mở 4 lớp Đại học Tại chức tiếng Anh và tiếng Pháp. Đây là hệ Đại học Tại chức liên kết đầu tiên trong trường mở ra một giai đoạn mới về loại hình đào tạo tại chức liên kết tại trường ĐHSP Vinh.
+Từ ngày thành lập khoa Ngoại ngữ đến nay (1994- 2009)
Năm học 1994- 1995, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định thành lập khoa Ngoại ngữ với nhiệm vụ đào tạo ngành cử nhân Sư phạm tiếng Anh. Đây là một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự lớn lao của toàn thể giáo viên, công chức khoa Ngoại ngữ. Khoa chia thành 5 tổ chuyên môn: Anh 1 (giảng dạy chuyên ngữ), Anh 2 ( giảng dạy cho các khoa đào tạo), tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Trung. Đồng chí Lê Hồng Thi - nguyên chủ nhiệm bộ môn Ngoại ngữ được Nhà trường bổ nhiệm làm Trưởng khoa đầu tiên.
Năm học 1998 - 1999 khoa Ngoại ngữ được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở mã ngành Tiếng Pháp hệ chính quy.
. Năm học 2003- 2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Khoa mở mã ngành Cử nhân khoa học tiếng Anh.
Năm học 2009 -2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Khoa đào tạo Cao học chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn tiếng Anh, đánh dấu sự phát triển vượt bậc về trình độ chuyên môn của giảng viên trong khoa.
Ngoài ra, Khoa còn được nhà trường giao nhiệm vụ đào tạo tiếng Việt cho sinh viên nước ngoài như: Lào, Thái Lan và Trung Quốc.
Song song với công tác giảng dạy, công tác nghiên cứu khoa học cũng được chú trọng. Khoa đã thực hiện 4 đề tài khoa học cấp Bộ, 45 đề tài khoa học cấp Trường, hàng chục đề tài khoa học cấp Khoa. Sinh hoạt khoa học, sinh hoạt chuyên môn được đẩy mạnh. Từ chỗ khoa phải dựa vào chương trình của các trường bạn đến nay Hội đồng khoa học khoa đã tự biên soạn được chương trình chi tiết cho các hệ đào tạo. Đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ chuyên môn cao không ngừng phát triển. Từ ngày thành lập Khoa đến nay đã có 5 Tiến sỹ, 33 Thạc sỹ, 05 cán bộ giảng dạy đang theo học Nghiên cứu sinh và Cao học. Khoa đã kết hợp với các tổ chức Quốc tế, các trường bạn tổ chức Hội thảo khoa học về Phương pháp giảng dạy Ngoại ngữ, cử hàng trăm lượt cán bộ giảng dạy đi dự các Hội nghị, Hội thảo khoa học trong nước và khu vực .
Với mục đích nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ giảng dạy, Khoa không ngừng tăng cường hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế. Khoa thiết lập quan hệ với Hội huynh đệ Á – Âu, “Côtes D’Armor - Việt nam”, Hội ABCDE - Cộng hoà Pháp, tổ chức Giáo dục Đại học Canada, Viện Anh ngữ Hoa Kỳ (ELI), Phòng Thông tin – Văn hoá Đại sứ quán Hoa Kì, Chương trình Fulbrịght Việt Nam ... Khoa luôn có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả với trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nay là Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhờ những chương trình hợp tác ấy mà hàng chục lượt cán bộ giảng dạy đã có dịp đi thực tập ngắn hạn và dài hạn ở nước ngoài.
Tại lễ kỉ niệm long trọng này, chúng tôi vui mừng báo cáo với quí vị đại biểu , các thầy giáo , cô giáo về thành quả của khoa chúng tủngất nhiều thế hệ sinh viên đã từng học tập tại khoa, sau khi ra trường đã đảm trách công viêc trên nhiều lĩnh vực khác nhau (giáo dục. khoa học kinh tế…) . Họ đã thể hiện được tính năng động sáng tạo, bản lĩnh, ý thức làm việc nghiêm túc của những sinh viên đã được học tập, rèn luyện ở ĐH Vinh. Trong số đó có nhiều em là giáo viên giỏi cấp tình và cấp quốc gia, có nhiều em trở thành những doanh nhân thành đạt, những nhà quản lí giỏi. Những thành tích của các em đã làm rạng danh trường ĐH Vinh nói chung và khoa Ngoại ngữ chúng ta nói riêng. Điều đáng quí hơn nữa, là hàng năm các em sin hviên thành đạt đều về khoa gặp gỡ, chia sẻ với sinh viên đang học tại khoa những kinh nghiệm trong công tác và trong cuôc sống giúp họ có những hành trang cần thiết trước khi ra trường.
Với những thành tích đạt được trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, khoa Ngoại ngữ đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen. Các bộ môn: tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung đều được vinh dự đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công Đoàn Giáo dục Việt Nam, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An. Nhiều cán bộ trong Khoa đã được nhận Huy chương vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương vì sự nghiệp khoa học công nghệ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn giáo dục Việt Nam, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, Trung ương Đoàn thanh niên Công sản Hồ Chí Minh.
Kính thưa quí vị đại biểu
Một lần nữa cho phép tôi thay mặt toàn thể CBGD, sinh viên khoa Ngoaị ngữ chân thành cảm ơn sự có mặt của quí vị ,chúc quí vị sức khoẻ và hạnh phúc.