Ngày nay, không ai có thể phủ nhận rằng xứ Nghệ có những nét đặc trưng văn hóa rất riêng. Không phải ngẫu nhiên mà người ngoài tỉnh khi tiếp xúc người Nghệ thì biết ngay là người Nghệ, có thể qua giọng nói, qua diễn ngôn hay có thể qua tính cách. Không phải ngẫu nhiên mà khi nghe đến xứ Nghệ, người ta nghĩ ngay đến một số hình ảnh, một số sáo ngữ, một số con người, một số cảnh vật, một số đặc sản, một số giai thoại… Sở dĩ người ngoài nhận biết được “tính Nghệ” là bởi “tính Nghệ” đã được kết tinh thành những giá trị văn hóa tương đối bền vững, là bởi họ đã tự xây dựng cho mình một bộ tiêu chí lựa chọn, mặc dù họ không chủ ý, mặc dù họ không biết. Bây giờ hỏi họ dựa vào những tiêu chí nào để nhận định đây là người Nghệ, đây không phải người Nghệ, đây là văn hóa Nghệ, đây không phải văn hóa Nghệ thì chưa chắc họ đã trả lời được. Vậy thì đó là những tiêu chí nào? Áp dụng những tiêu chí đó ra sao? Những tiêu chí này sẽ làm sáng tỏ những vấn đề nào liên quan đến văn hóa xứ Nghệ. Đó là những câu hỏi mà chúng tôi sẽ tìm cách giải đáp dựa trên mô hình “Chân, Thiện, Mỹ” và thực tế nghiên cứu văn hóa xứ Nghệ mà chúng tôi tiếp cận được bằng tầm đón của riêng mình.
1. Một nỗ lực định nghĩa
Vấn đề “giá trị văn hóa” là một vấn đề rất rộng, rất trừu tượng và rất phức tạp. Đã có nhiều nhà nghiên cứu quốc tế và trong nước đưa ra những định nghĩa rất khác nhau về khái niệm này. Tổ chức Unesco, trong hội nghị toàn thể khóa 31 ngày 02/11/2011, đã thông qua bản Tuyên ngôn phổ quát về đa dạng văn hóa và đã định nghĩa về văn hóa như sau: “Văn hóa phải nên được nhìn nhận như một tập hợp những nét khác biệt về đời sống tinh thần, vật chất, trí tuệ và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm xã hội, nó bao gồm văn học nghệ thuật, thêm vào đó là lối sống, phong cách chung sống, hệ giá trị, truyền thống và tín ngưỡng.” Theo cuốn Từ điển quốc tế về phát triển văn hóa, đó là “những mối quan hệ mang tính biểu trưng, chúng bảo đảm sự gắn kết của một xã hội hay nhóm người nào đó, chúng duy trì và phát huy tình cảm gắn bó của các thành viên, lưu truyền di sản xã hội-tinh thần phong phú, […] và làm cho cuộc sống con người trở nên có ý nghĩa” [1]. Theo M. Makagiansar, giá trị văn hóa là “tổng hòa các ký hiệu và biểu trưng qua đó một hệ thống bao gồm các định hướng và thái độ chung được thể hiện.”[2] Còn C. Klockkhohn thì định nghĩa các giá trị văn hóa như là “những biểu trưng về xúc cảm hay tri luận trong chừng mực mà, về hình thức, chúng thể hiện quan niệm về khát vọng có khả năng ảnh hưởng đến các phương cách, các phương tiện và mục đích của hành động.”[3] Như vậy, qua các định nghĩa của một số học giả phương Tây, chúng ta thấy họ nhấn mạnh tính chất biểu trưng (symbolique) và tính cộng đồng, tính tập thể (communauté). Tức là các giá trị đó đã được trừu tượng hóa chứ không chỉ cái gì đó cụ thể. Về các định nghĩa “giá trị văn hóa” của các nhà nghiên cứu trong nước, chúng ta không thể bỏ qua định nghĩa của Phan Ngọc, tác giả của cuốn sách nổi tiếng, đáng tham khảo, đó là cuốn Bản sắc văn hóa Việt Nam. Ông viết: “Văn hóa là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng trong óc một cá nhân hay một tộc người với cái thế giới thực tại ít nhiều đã bị cá nhân này hay tộc người này mô hình hóa theo cái mô hình tồn tại trong biểu tượng. Điều biểu hiện rõ nhất chứng tỏ mối quan hệ này, đó là văn hóa dưới hình thức dễ thấy nhất, biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của cá nhân hay tộc người, khác các kiểu lựa chọn của các cá nhân hay các tộc người khác.[4]” Ở đây chúng ta thấy, với định nghĩa khá đầy đủ này, Phan Ngọc gặp gỡ các học giả phương Tây ở chỗ xem các giá trị văn hóa như là các giá trị biểu trưng, cái mà Pierre Bourdieu, một nhà xã hội người Pháp, gọi là “tài sản biểu trưng” (biens symboliques). Tuy nhiên, ông nhấn mạnh thêm tính mô hình hóa của các giá trị văn hóa. Đây là một nhận định xác đáng bởi lẽ khi chúng ta nói đến giá trị văn hóa, chúng ta phải nói đến những giá trị đã được trừu tượng hóa, mô hình hóa qua bộ lọc cảm xúc và tri nhận rất tinh vi của các thành viên cộng đồng. Hoàng Ngọc Hiến cũng không khác xa Phan Ngọc là mấy trong định nghĩa về giá trị văn hóa: “văn hóa là tổng thể những tư tưởng triết học, đạo đức học, tôn giáo, mỹ học… được siêu thăng từ đời sống tinh thần của xã hội, cuộc sống này bao giờ cũng phong phú hơn rất nhiều cũng như những tư tưởng siêu thăng này bao giờ cũng bền vững hơn những thiết chế của văn minh nhất thời cai quản xã hội.”[5] Hoàng Ngọc Hiến dùng hai chữ “siêu thăng” thay vì hai chữ “biểu tượng”, có thể với ý niệm về sự siêu nghiệm (transcendance) mang tính triết học rất cao. Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh tính bền vững của giá trị văn hóa: văn hóa là cái gì đó đã ăn vào máu thịt, cốt tủy của con người, được truyền từ đời này sang đời khác, rất khó thay đổi. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thừa Hỷ đưa ra hai định nghĩa về văn hóa theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp: theo nghĩa rộng, “văn hóa là một toàn bộ phức hợp những mô thức ứng xử, hệ giá trị và thành tựu của con người-xã hội trong các mối quan hệ với môi trường thiên nhiên, quần thể cộng đồng và thế giới tâm linh.[6]” Còn theo nghĩa riêng, “văn hóa là những nét đặc trưng đời sống mang tính phổ biến cho một cộng đồng người, đồng thời là bản sắc khu biệt khi đối sánh với những cộng đồng khác.[7]” Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc, đã định nghĩa văn hóa như sau: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người phải sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dsụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của một phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn.[8]” Ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa văn hóa như một hệ giá trị mở rộng bao gồm những giá trị văn hóa thuần túy và những yếu tố văn minh. Đây là một định nghĩa đáng cho chúng ta tham khảo khi đưa ra những tiêu chí đánh giá tinh hoa văn hóa xứ Nghệ.
2. “Chân, Thiện, Mỹ” như là thang giá trị
Những giá trị tinh hoa của văn hóa xứ Nghệ là hệ giá trị biểu trưng mang tính bền vững và tính chọn lọc rất cao. Đó là những giá trị không thể bàn cãi, chung cho xứ Nghệ và chỉ có ở xứ Nghệ. Hay nói cách khác, đó là bản sắc, là căn cước của xứ Nghệ, là tính “đặc Nghệ”, không thể lẫn với các xứ khác, vùng khác. Chúng tôi đồng tình với nhà nghiên cứu Phạm Đức Dương khi ông áp dụng cấu trúc bề mặt và cấu trúc bề sâu trong tiếp cận văn hóa. Theo ông, “cấu trúc bề mặt (được gọi là biểu tầng) là những biểu hiện bên ngoài và biến đổi liên tục. Ta gọi là biến số, là yếu tố động của văn hóa. Vì vậy văn hóa được bao chứa trong các hoạt động xã hội cũng như hoạt động chính trị, kinh tế. Trên bình diện đó các sáng tạo và hoạt động văn hóa mang tính xã hội và thường xuyên biến đổi. Nó là phương thức sống của con người trong một xã hội nhất định.”; “cấu trúc chiều sâu (được gọi là cơ tầng) là cấu trúc bên trong của văn hóa, ít biến đổi. Ta gọi là hằng số, là yếu tố tĩnh của văn hóa. Nó là cái gốc điều chỉnh mọi sinh hoạt đời sống giữ cho xã hội tính liên tục và tính ổn định và nằm sâu trong tâm thức, trong đức tin tâm linh của con người được khắc họa nên bản sắc văn hóa của tộc người này khác với tộc người khác.”[9] Theo chúng tôi, giá trị văn hóa tinh hoa phải là giá trị theo cấu trúc bề sâu này, nó ăn sâu vào tập tính (habitus) của người Nghệ. Những định nghĩa về giá trị văn hóa ở trên gợi ý cho chúng tôi một thang giá trị cho văn hóa xứ Nghệ gồm bộ “tam vị nhất thể” (trinité), được mô hình hóa như sau:
2.1. Giá trị “Chân”
“Chân” có thể hiểu là chân lý, là “một quá trình nhận thức: phụ thuộc vào hiểu biết, vốn tri thức gắn quyện với hoạt động thực tiễn, khái quát thành các quy luật, các quan niệm, các luận điểm, trong bảng phân loại khoa học gọi đây khoa học về nhận thức hay nhận thức luận.[10]” Trong nghĩa rộng hơn, “Chân” là năng lực nhận thức, tiếp thu thực tế và áp dụng vốn hiểu biết của mình vào cuộc sống, “chân” là những gì sẵn có, thuộc về bản chất, gần như bất biến. Chúng tôi chia giá trị này thành hai phương diện: phương diện ngôn ngữ-tính cách và phương diện nếp sống, phong tục, tập quán.
2.1.1. Ngôn ngữ-tính cách
Ngôn ngữ chứa chất văn hóa, đó là điều không còn phải bàn cãi. Ngôn ngữ chuyên chở những giá trị văn hóa, phát huy những giá trị văn hóa, quảng bá những giá trị văn hóa. Mỗi vùng, mỗi miền có tiếng nói riêng, thậm chí cách diễn đạt ngôn ngữ (hành ngôn) riêng. Chúng tôi cho rằng tiếng Nghệ là đặc trưng nổi nhất ở người Nghệ, không những bởi vốn từ vựng rất độc đáo mà còn bởi cách phát âm của con người nơi đây. Vốn từ vựng tiếng Nghệ đặc trưng đến nỗi mà nhiều nhà nghiên cứu đã phải cất công làm từ điển! Còn về cách phát âm, nói như Nguyễn Bùi Vợi, “chỉ nghe tiếng nói đã nghe nhọc nhằn”. Cách phát âm của người Nghệ rất nặng, và hẳn vì thế mà cách hành ngôn của người Nghệ có phần trúc trắc, cộc lốc. Có người nhận xét: một người Nghệ nói giọng của chính mình thì như gà mắc tóc, nhưng khi giả giọng Hà Nội, chẳng hạn, thì nói rất trôi chảy. Theo chúng tôi, tiếng Nghệ ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách Nghệ: ngôn ngữ mộc mạc cho nên tính tình cũng chân thật, thẳng thắn:
Đã thẳng, thẳng như ruột ngựa
Đã nói là nói oang oang
Ông trời nói sai cũng cãi
Như rứa là dân Nghệ An.
Hẳn vì thế mà Hồ Chí Minh, khi nhận xét về con người xứ Nghệ, bác viết: “Nhân dân Nghệ Tĩnh nổi tiếng cứng đầu”[11].
Chúng tôi không biết đã có ai nghiên cứu ảnh hưởng của tiếng Nghệ vào cuộc sống của người Nghệ hay chưa, đây là một hướng nghiên cứu đầy triển vọng và vô cùng hữu ích. Và để góp phần xây dựng kinh tế, xã hội của địa phương, phải chăng chúng ta nên có một nghiên cứu nghiêm túc về hành ngôn của người Nghệ và có những giải pháp sư phạm để người Nghệ có thể nói tiếng Nghệ một cách trôi chảy.
2.1.2. Nếp sống, phong tục tập quán
Trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh đồng hóa văn hóa với cách sinh hoạt. Ông viết: “Vì lẽ gì văn hóa của các dân tộc lại khác nhau như thế? Vì rằng cách sinh hoạt của các dân tộc không giống nhau. Chính vì điều kiện tự nhiên về địa lý khiến mỗi dân tộc sinh hoạt ở trên cơ sở kinh tế khác nhau, cho nên cách sinh hoạt cũng thành khác nhau vậy. Bởi thế muốn nghiên cứu văn hóa của một dân tộc, trước hết phải xét xem dân tộc ấy sinh trưởng ở trong những điều kiện địa lý thế nào. Các điều kiện địa lý có ảnh hưởng lớn đối với cách sinh hoạt của người ta. [...] Cách sinh hoạt vì thế mà cũng biến chuyển và khiến văn hóa cũng biến chuyển theo. Nghiên cứu xem sự hoạt động để sinh hoạt về các phương diện của một dân tộc xưa nay biến chuyển thế nào, tức là nghiên cứu văn hóa sử của dân tộc ấy vậy.[12]” Vậy, phong tục tập quán của người Nghệ có gì đặc biệt? Trả lời câu hỏi này tức là tập trung các nội dung sau:
- Thói quen ẩm thực của người Nghệ (các món ăn đặc trưng xứ Nghệ, goût ăn uống, cách chuẩn bị các bữa ăn, phong cách ăn uống...);
- Thói quen lao động của người Nghệ (họ quản lý thời gian lao động như thế nào? Ý thức nghề nghiệp của họ ra sao? Họ thường có xu hướng chọn những nghề nào?);
- Thói quen thư giãn của người Nghệ (trong thời gian rỗi họ thường làm gì? chơi trò gì? đi đâu?);
- Cách ứng xử của người Nghệ (với anh em ruột rà, với dòng tộc, với hàng xóm láng giềng, với cấp trên);
- Quan niệm về hạnh phúc của người Nghệ (hôn nhân, nghề nghiệp, nhà cửa);
- Tín ngưỡng của người Nghệ (vấn đề tôn giáo, tục thờ cúng, tục xem bói, những điều kiêng kỵ, lễ hội v.v…).
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể đưa vào các sản phẩm văn hóa vật thể gắn liền với nếp sống, phong tục tập quán của người Nghệ: nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, cháo lươn Vinh, hình ảnh núi Hồng sông La v.v…
2.2. Giá trị “Thiện”
“Thiện” tức là tốt, đã đành là như vậy. Nhưng ở đây phải hiểu rộng ra là những nỗ lực của con người trong việc tu nhân tích đức, tu dưỡng, khổ luyện để thành người. Để trở thành “thiện”, con người phải học tập và tu dưỡng. Hồ Chí Minh viết:
Ngủ thì ai cũng như lương thiện,
Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền;
Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn,
Phần nhiều do giáo dục mà nên.
(Nửa đêm, bản dịch của Nam Trân)
Vì vậy, ở giá trị này, chúng tôi nhấn mạnh hai phương diện: tinh thần hiếu học và thiên hướng.
2.2.1. Tinh thần hiếu học
Người Nghệ nổi tiếng với truyền thống hiếu học, khổ học, kiểu “sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa; Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà”. Rất nhiều nhà nghiên cứu tự cổ chí kim đều thống nhất cho rằng người xứ Nghệ “ham học”:
- Lê Trắc: “Người Hoan Châu, Châu Diễn thì thuần tú mà ham học”. (An Nam chí lược)
- Dương Văn An: “Người Hoan, Diễn thuần tuý, ham học, xưa nay vẫn thường nói thế”. (Ô Châu cận lục)
- Phan Huy Chú: “Người thì thuần hoà mà chăm học” (Lịch triều hiến chương loại chí)
- Bùi Dương Lịch: “Người phương Bắc khen người Nghệ An thuần giản mà hiếu học”. (Nghệ An ký)
- Cao Xuân Dục: “Sách Minh chí có khen người Hoan Châu thuần hậu, ưu tú, chăm học, chắc họ cũng đã trông thấy rõ ràng”. (Đại Nam nhất thống chí)
Chúng tôi đồng ý với nhận xét của nhà nghiên cứu trẻ Lê Văn Tùng khi anh cho rằng, ở xứ Nghệ: “...việc học đã nâng lên thành một triết lý đổi đời, thành tiêu chuẩn thiêng liêng đặc trưng cho gia đình, dòng tộc, xóm làng và phiên trấn, và do đấy nó nâng đỡ cho các nỗ lực cá nhân vượt qua các xuất phát và địa vị để thành đạt bằng học vấn, vì thế, hiếu học dần dần trở thành một giá trị ổn định dù cho cơ cấu xã hội đã có thay đổi cơ bản về lịch sử.[13]” Theo Phan Thuận An, “tại những khoa thi Hội và thi Đình được triều đình nhà Nguyễn tổ chức tại Kinh đô Huế từ năm 1822 đến năm 1919, trong khi tất cả 31 tỉnh trong toàn quốc có 293 người đỗ tiến sĩ, thì riêng Nghệ An đã có đến 38 người con ưu tú trong số đó, nghĩa là họ đã chiếm được tỷ lệ gần 1/10 so với cả nước.[14]” Chắc chắn truyền thống ham học, ham đậu đạt này vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay và nó ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách Nghệ. Nhiều người đã lý giải bản sắc này của người Nghệ bằng lý do xã hội: người Nghệ quá nghèo, kinh tế xứ Nghệ quá lạc hậu nên họ cho rằng con đường thăng tiến duy nhất là học và học. Học để giải nghèo, học để làm quan, học để cả họ được nhờ, học để làm rạng rỡ quê hương. Tinh thần hiếu học, như vậy, có thể được xem là giá trị văn hóa tinh hoa của người Nghệ. Tuy nhiên, khi nghiên cứu tiêu chí này, chúng ta cũng phải nghiên cứu cho cặn kẽ: cách học của người Nghệ có gì khác? Lựa chọn của họ chủ yếu tập trung vào ngành nào? Gia đình, nhà trường, xã hội xứ Nghệ có ảnh hưởng ra sao trong lựa chọn của họ. Mục đích sự học của họ là làm giàu, làm quan hay làm “nhà nho” (nhà văn hóa). Họ có thực dụng khi học? Họ có trở về phục vụ quê hương sau học? Để trả lời những câu hỏi này, dĩ nhiên chúng ta phải thực hiện những cuộc điều tra xã hội thật nghiêm túc và khoa học.
2.2.2. Thiên hướng
Vấn đề tu dưỡng và giáo dục liên quan mật thiết đến thiên hướng của người Nghệ. Thiên hướng của người Nghệ có gì khác so với người Bắc, người Nam? Chúng ta có thể lý giải như thế nào về việc ở xứ Nghệ có nhiều nhà hoạt động chính trị lỗi lạc như Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Hà Huy Tập...?; chúng ta có thể lý giải ra sao khi có nhiều nhà văn, nhà thơ vĩ đại như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ...? Nhà nghiên cứu Alain Guillemin, khi trao đổi với chúng tôi, có đúc kết một câu mà tôi cho là rất đúng: xứ Nghệ là xứ của các vĩ nhân, Nghệ An là vùng đất của chính trị gia, Hà Tĩnh là vùng đất của văn nhân. Khi một người nước ngoài nhận xét về Nghệ An như vậy chứng tỏ điều này đã trở thành bản sắc của xứ Nghệ, hình ảnh con người xứ Nghệ. Vậy bây giờ chúng ta thử nghiên cứu xem là tỷ lệ chính trị gia của Nghệ An bây giờ là thế nào? So với các tỉnh khác thì ra sao? Những lý do giải thích điều đó? Chúng tôi tạm đưa ra giả thuyết rằng, thiên hướng của người Nghệ An là thiên hướng làm quan. Tục ngữ đã có câu “Quan xứ Nghệ, lính xứ Thanh”. Trong lịch sử, chúng ta biết là “đội ngũ khoa bảng Nghệ thời Lê sơ, Lê trung hưng chủ yếu đều đóng góp về phương diện quan trường, giữ các vị trí quan trọng trong quan ngạch triều đình. [...] Một khi đã kết thúc giai đoạn học tập quyết khoa thì làm quan, gánh vác chính sự là bổn phận chính của họ. Nhìn từ phương diện này, có thể nói khoa cử xứ Nghệ đã cung cấp cho chính quyền phong kiến trung ương một đội ngũ quan lại cao cấp dồi dào, có tài năng và chí tiến thủ để đảm đương các loại công việc quản lý – hành chính – giáo dục đương thời.[15]” Thiên hướng làm quan cũng là thiên hướng cống hiến hết mình cho đời, cho việc nước, tức hướng thiện ở tầm vĩ mô. Thiên hướng làm quan là thiên hướng yêu nước, thương nòi, truyền thống quý báu của người Nghệ.
2.3. Giá trị “Mỹ”
“Mỹ” là giá trị tạo rung cảm thẩm mỹ. Theo Khổng Tử, “Mỹ” bao gồm Lễ và Nhạc. Lễ tức là vẻ đẹp toát ra từ con người còn Nhạc là các loại hình văn chương nghệ thuật. Ở đây, chúng tôi đề cập tới vẻ đẹp ngoại hình và vẻ đẹp tâm hồn của con người xứ Nghệ.
2.3.1. Vẻ đẹp con người xứ Nghệ
Dân gian nói: “Cái nết đánh chết cái đẹp” để nhấn mạnh vẻ đẹp tâm hồn con người. Tuy nhiên, qua câu này, chúng ta cũng có thể hiểu rộng ra là con người lý tưởng phải vừa đẹp về hình thức vừa đẹp về tâm hồn. Về hình thức, con người phải có “trang sức, dung mạo, tạo nên khoái lạc, làm cho tâm tình tao nhã, cảm hóa lòng người, thân với nhau, kính lẫn nhau.[16]”, phải “đối xứng, cân đối các tỷ lệ, trong đó có tỷ lệ ngực – bụng – mông, mắt, mặt, mũi, trán, tóc, chân..., cái đẹp tuyệt tác tạo hóa ban cho, không có gì sánh nổi.[17]” Ở đây, câu hỏi đặt ra là: về hình thức, vẻ đẹp người Nghệ có gì đặc trưng? Giữa nhiều cô gái Việt Nam chúng ta có nhận ra cô gái nào gốc Nghệ? Chúng ta hiểu sao về ngạn ngữ: “Trai Cát Ngạn, Gái Đô Lương”; “trai Đông Thái gái Yên Hồ”? Đó là đặc trưng về mặt hình thức. Còn về vẻ đẹp tâm hồn, đó “còn gọi là vẻ đẹp bên trong – chỉ con người mới có, như trí tuệ, khả năng sáng tạo, tình cảm, nhất là tình thương, tế nhị”[18]. Vậy vẻ đẹp tâm hồn của người Nghệ có gì đặc trưng so với người các vùng, miền khác? Khi nhận xét về đức tính tốt đẹp của con người xứ Nghệ, C. Chatel viết: “Nghệ Tĩnh là một trong những miền đất của xứ Đông Dương có bản sắc và đặc điểm rõ rệt hơn đâu hết… Mặc dầu phải sống qua những giờ phút khó khăn, những con người có khí phách, yêu văn học, hăng hái trong lao động và dũng cảm nhẫn nại trên một vùng đất đầy cam go thử thách”[19]. Ngoài ra, người Nghệ nổi tiếng có “khí phách”: anh dũng, yêu nước, thương nòi. Nhiều người vẫn ca ngợi xứ Nghệ là “địa linh nhân kiệt”. Tự Đức viết:
Thiên khí chung linh
Địa khí chung linh
Tất nhân tài bồi xuất khả vu ư Nghệ An nhất hạt”.
(Khí trời đúc lại khí thiêng liêng
Khí đất đúc lại khí thiêng liêng
Tất nhiên sinh ra nhân tài tại Nghệ An)
Nguyễn Xuân Ôn viết:
Hoan Châu phong thuỷ xuất nam biên
Đại sản trung thần thụ ngã tiên
(Non nước Châu Hoan đẹp tuyệt vời
Nêu gương trung nghĩa biết bao người)
Trần Văn Giàu viết: “Đất Lam Hồng, khúc sông, trái núi nào cũng in dấu sự tích đánh giặc cứu nước hay tụ nghĩa vì dân, nói “địa linh” là thế, “địa linh” sinh “nhân kiệt”.[20]
2.3.2. Văn học – nghệ thuật
Khi nghiên cứu các giá trị tinh hoa văn hóa xứ Nghệ, chúng ta không thể bỏ qua lĩnh vực văn học và nghệ thuật. Đây không những là cái Đẹp mà còn là khả năng tạo ra cái Đẹp. Trong suy tư của cố nhạc sĩ Trần Văn Khê, khi nghe đến hai chữ “văn hóa”, ông “chỉ nhớ tới những sáng tác văn chương, nghệ thuật, điện ảnh, cách biểu diễn trong dân gian hay trên sân khấu.[21]” Điều này để nói rằng, văn học – nghệ thuật là yếu tố cấu thành của văn hóa, không thể tách rời, không thể xem nhé. Xứ Nghệ có truyền thống văn nghệ cực kỳ xuất sắc, với làn điệu dân ca-ví giăm, với kho tàng ca dao tục ngữ, với những văn nghệ sĩ đã đi vào lịch sử văn hóa dân tộc, đã trở thành tinh hoa của văn hóa dân tộc, những Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, những Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Minh Châu, Điềm Phùng Thị, vv.. Ngoài ra, chúng ta còn phải kể đến các di tích lịch sử như là các tác phẩm kiến trúc độc đáo của xứ Nghệ v.v... Đó là chưa kể tới giới nghiên cứu và phê bình văn học – nghệ thuật, đóng vai trò làm “bà đỡ” cho giá trị nghệ thuật của người Nghệ, với những nhà phê bình xuất sắc, tầm cỡ quốc gia như Hoàng Xuân Hãn,Trần Đình Hượu, Phan Ngọc, Hoàng Ngọc Hiến, Đỗ Lai Thúy v.v...
3. Kết luận
Trên đây là những gợi ý của chúng tôi về xác định thang giá trị tinh hoa văn hóa xứ Nghệ. Những gợi ý này chắc chắn chưa đầy đủ và có thể trùng lặp với các ý kiến khác của các nhà nghiên cứu văn hóa xứ Nghệ khác. Cái “được” trong bài này, đó là mô hình hóa các giá trị văn hóa xứ Nghệ theo một công thức định sẵn là Chân – Thiện – Mỹ. Chúng tôi nhận thức được rằng, khi rập khuôn theo những công thức có sẵn thì kiểu gì chúng tôi cũng dễ sa vào một cách lập luận khiên cưỡng, máy móc. Tuy nhiên, ý đồ của chúng tôi chỉ là những gợi mở cho một hay nhiều hướng nghiên cứu chứ không có tham vọng nghiên cứu một cách tường tận, điều mà thời gian cũng như trường nghiên cứu của tôi đã không cho phép. Hướng nghiên cứu văn hóa xứ Nghệ theo phương pháp “giá trị học” (axiologie) này là rất khả quan, xứng đáng cho các nhà Nghệ học quan tâm nhiều hơn để phát huy tinh hoa văn hóa xứ Nghệ.
Vinh, 5/9/2015
Nguyễn Duy Bình
Khoa SP Ngoại ngữ
Chú thích:
[1] Thesaurus international du développement culturel, Paris, Unesco, 1980, tr. 19.
[2] MAKAGIANSAR, M., "Préservation et épanouissement des valeurs culturelles" (Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa) in trong cuốn Cultures, tập VI, số 1, Les Presses de l'Unesco et La Baconnière, tr. 11.
[3] KLUCKHOHN, C. , "Values and value Orientation in the theorg of action.. . " trong cuốn Toward a general theory of Action, Parsons and Shils Ed. Cambridge'(Mass.) , Harvard University Press, 1962.
[4] Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội, 2002. Tr. 20.
[5] Hoàng Ngọc Hiến, “Sức mạnh văn hóa và sự phát triển của văn minh (trường hợp Việt Nam)”, Tác phẩm toàn tập, NXB Hồi Nhà Văn, Hà Nội, 2008. Tr. 11-12.
[6] Nguyễn Thừa Hỷ, Văn hóa Việt Nam truyền thống, một góc nhìn, NXB Thông tin và Truyền Thông, Hà Nội, 2014. Tr. 9.
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, 1995, tập 3, tr. 431. Chuyển dẫn Dương Trung Quốc, “Bản sắc văn hóa dân tộc – những cơ sở lịch sử”, Văn hóa Việt Nam, đặc trưng và cách tiếp cận, Lê Ngọc Trà (tập hợp và giới thiệu), NXB Giáo dục, 2003. Tr. 139.
[9] Phạm Đức Dương, “Giao lưu văn hóa Việt Nam và thế giới”, Văn hóa, những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, NXB Nghệ An, 2015. Tr. 67.
[10] Phạm Minh Hạc, “Chân, Thiện, Mỹ, ba giá trị phổ quát nhất”, Nghiên cứu con người, số 1, 2009. Tr. 13.
[11] Bác Hồ với quê hương Nghệ An, NXB Nghệ An, 2006.
[12] Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, NXB Bốn Phương, 1951. Tr. 13, 14.
[13] Lê Văn Tùng, “Tinh thần hiếu học – một giá trị tiêu biểu của văn hóa Bắc Miền Trung”, Những vấn đề khoa học xã hội và nhân văn khu vực Bắc Miền Trung, NXB Nghệ An, 2009. Tr. 18.
[14] Phan Thuận An, “Các vị tiến sĩ xứ Nghệ trên bia văn miếu Huế”, in trong Người Nghệ, nhiều tác giả, NXB Nghệ An. Tr. 20.
[15] Nguyễn Đào Nguyên, “Khoa bảng xứ Nghệ trong văn bia văn miếu Quốc tử giám”, Người Nghệ, Sđd. Tr. 14.
[16] Phạm Minh Hạc, tlđd. Tr. 17.
[19] H. Le Breton, An Tĩnh cổ lục, NXB Nghệ An, 2005. Tr. 10.
[20] Chuyển dẫn Nguyễn Trung Hiền (Chủ biên), Nguyễn Duy Bình, “Các thức giả trong và ngoài nước viết về Nghệ An”, Nghệ An toàn chí (tập 22).
[21] Trần Văn Khê, “Thử tìm đặc trưng của văn hóa Việt Nam”, Văn hóa Việt Nam, đặc trưng và cách tiếp cận, sđd. Tr. 56.