“Bây giờ là 1 giờ chiều. Hầu hết các địa điểm đều đóng cửa. Các cửa hiệu, nhà hàng và ngay cả đến trường học cũng vắng ngắt. Dường như tất cả mọi người đã biến mất khỏi thành phố Vinh. Đi bộ trên đường phố, bạn chỉ có thể nhìn thấy một vài chiếc xe gắn máy di chuyển từ nơi này đến nơi khác hoặc một người đàn ông lớn tuổi ngủ trưa ngay trên chiếc xe máy của mình dưới bóng cây. Nhưng đột nhiên khi mặt trời dịu đi, đường phố và cả những quán cà phê, cửa hàng ở Vinh đều quay trở lại nhịp sống hằng ngày…” - “Exploring Vinh” mở đầu ngắn gọn bằng chính những cảm xúc, những ấn tượng đầu tiên về thành phố Vinh của Sonja Lepannen và Roosa Isokaanra, sinh viên trao đổi đến từ Phần Lan; đồng thời là những người đưa ra ý tưởng thực hiện cuốn cẩm nang du lịch này.
Với độ dài vỏn vẹn 24 trang, giới thiệu 10 điểm đến khám phá của Nghệ An - một con số khá khiêm tốn về những điểm du lịch của tỉnh nhà, song đây có thể xem là một cẩm nang du lịch đặc biệt khi do Sonja Lepannen và Roosa Isokaanra cùng 10 bạn sinh viên trường Đại học Vinh cùng nhau thực hiện.
Sonja Lepannen cho biết, cô biết về Việt Nam thông qua những người bạn Việt Nam đang du học ở Phần Lan. “Chính những điều tốt đẹp về Việt Nam qua lời kể đã thôi thúc tôi và Roosa muốn tự mình đến Việt Nam để cảm nhận nó. Chúng tôi không hề chọn Vinh mà Vinh đã chọn chúng tôi. Khi đăng ký học trao đổi đến Việt Nam, tổ chức liên kết SJ Vietnam có nhắc về Đại học Vinh và chúng tôi đồng ý ngay lập tức”, Sonja chia sẻ.
Sau khi đến thành phố Vinh ít tuần, Sonja và Roosa rất ngạc nhiên vì Vinh mang một nét đẹp rất đặc biệt nhưng lại có quá ít bài viết về thành phố này, nhất ở mảng du lịch. Chính từ đây, cả 2 đã đề xuất ý tưởng thực hiện một cuốn cẩm nang du lịch và được thầy cô cùng các bạn sinh viên trường Đại học Vinh nhiệt tình ủng hộ.
Khác với những cuốn cẩm nang khác về du lịch Nghệ An, “Exploring Vinh” là một cuốn được hiểu đúng theo nghĩa đen “Khám phá Vinh”. Không giới thiệu quá nhiều về lịch sử, “Exploring Vinh” gián tiếp giúp người đọc hình dung, phám phá cụ thể từng điểm đến thông qua những cảm nhận của chính người viết là các bạn sinh viên trẻ.
Ví dụ ở điểm chợ Vinh, bên cạnh là một địa chỉ buôn bán, du khách có thể mua bất kỳ món quà nào về cho người thân, các bạn sinh viên còn giới thiệu về ẩm thực nơi đây. Như cà phê Bọt tồn tại hơn 20 năm - một địa chỉ khám phá thú vị đối với những người bạn nước ngoài.
Hay như điểm đến Cửa Lò, bài viết chỉ cung cấp 1 số thông tin, phần còn lại là cảm xúc, cảm nhận của người viết bài. Không quá nhiều nhưng cũng không quá ít, nó vừa đủ để khiến cho người đọc muốn háo hức lên đường và cảm nhận.
Nguyễn Thị Thương, lớp 56B1 Ngôn ngữ Anh, 1 trong 10 sinh viên trường Đại học Vinh thực hiện cuốn “Exploring Vinh” cho biết, các thành viên ai cũng háo hức khi bắt tay thực hiện ý tưởng cùng Sonja và Roosa, nhất là khi đây là cuốn cẩm nang nhằm giới thiệu du lịch tỉnh nhà với giới trẻ, bạn bè quốc tế.
Thương và nhóm chính thức làm việc với nhau từ cuối tháng 9/2017. Phải hơn 1 tháng, các thành viên mới hoàn thành cuốn cẩm nang.
“Những buổi làm việc đầu tiên, 10 bạn sinh viên mỗi người sẽ đưa ra các địa điểm để cả nhóm cùng nhau thảo luận và thống nhất chọn 10 điểm tham quan, khám phá đưa vào trong cuốn cẩm nang. Sau đó, mỗi tuần các thành viên sẽ sắp xếp đi 2 điểm trải nghiệm, chụp ảnh, viết bài”, Thương cho biết. 10 thành viên, mỗi người sẽ được phân công phụ trách viết về 1 điểm du lịch bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.
Khó khăn nhất trong quá trình làm việc là về kinh phí và thời tiết, em Hồ Thị Thủy Tiên, lớp 56B1 Ngôn ngữ Anh cho biết thêm. Vì đều là sinh viên nên kinh phí thực hiện hoàn toàn chủ yếu do Sonja và Roosa và các thành viên còn lại tự bỏ ra. Thêm vào đó, tháng đi thực tế mưa nhiều nên có nhiều điểm nhóm không thể chụp ảnh theo như dự định ban đầu.
“Lịch học các thành viên khác nhau nên không phải lúc nào cũng có thể tập hợp đầy đủ. Tuy nhiên, các thành viên ai cũng cố gắng xắp xếp thời gian để tham gia. Bởi mỗi buổi đi khảo sát như thế này chúng em học hỏi được rất nhiều điều từ cách giao tiếp, cách làm việc nhóm, cách tư duy khoa học của các bạn Sonja và Roosa”, Thủy Tiên chia sẻ.
Đến ngày 25/11, sản phẩm cuối cùng của nhóm đã được ra mắt, chia sẻ lên các cộng đồng người nước ngoài, các nhóm mạng xã hội với cái tên “Exploring Vinh”. Cuốn cẩm nang nhanh chóng nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng từ các bạn trẻ, nhất là những người nước ngoài khi muốn tìm hiểu về Nghệ An.
Thầy Lê Minh Tân, Bí thư liên chi đoàn khoa Sư phạm Ngoại ngữ trường Đại học Vinh cho biết, khoa Ngoại ngữ rất tự hào về sản phẩm “Exploring Vinh” do các bạn sinh viên trao đổi kết hợp với sinh viên của trường. Tuy chưa thể đưa hết những địa điểm du lịch của Nghệ An vào cuốn cẩm nang nhưng những thành quả mà các bạn sinh viên đạt được là rất đáng khích lệ.
Với những tư duy trẻ, mới, các bạn sinh viên đã mang đến một cuốn cẩm nang du lịch song ngữ gần gũi với người xem. Bản thân thầy Lê Minh Tân hy vọng rằng cuốn “Exploring Vinh” sẽ mang đến những tác động đến ngành du lịch của tỉnh nhà.
Chu Thanh