Cuốn Khoa học xã hội trên thế giới được Ban chủ nhiệm Chương Trình tầm nhìn Unesco[i] tổ chức biên dịch và xuất bản với sự hỗ trợ của Đại Sứ Quán Pháp tại Việt Nam vào năm 2007 là một công trình khoa học đồ sộ với những bài nghiên cứu sâu rộng của các nhà nghiên cứu đương đại có tầm cỡ trên thế giới. Cuốn sách được chia làm hai phần (phần toàn cảnh và phần các vấn đề ứng dụng), 38 chương. Công trình đề cập khá đầy đủ các khía cạnh khác nhau của khoa học xã hội như vấn đề khoa học xã hội trên thế giới thế kỷ 20 và 21, mối quan hệ giữa các vấn đề giáo dục, tài chính, cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu, giữa chính sách công, công nghệ thông tin và môi trường và khoa học xã hội v.v… Trong giới hạn bài này, chúng tôi chỉ cố gắng lược thuật những nội dung cơ bản nhất của bài viết “Thế kỷ XX, thế kỷ của khoa học xã hội” của Peter Wagner.

            Ngay trong lời tựa của cuốn sách, các tác giả Maurice Aymard và Ali Kazancigil đã nhận định rằng thế kỷ 20 là thế kỷ của khoa học xã hội. Trên cả phương diện lý luận và ứng dụng, khoa học này tỏ ra vô cùng hữu ích trong việc giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh trong thời đại mới bằng việc giúp đỡ các chính trị gia hay các cơ quan chức năng tránh một cách nhìn “hời hợt và cục bộ”[ii] các thực trạng xã hội. Hai tác giả này cũng khẳng định rằng, trước đây, ngay ở các nước tiên tiến nhất, khoa học xã hội vẫn tỏ ra “xa vời, ngoại lai”[iii] bởi sự đối lập mang tính định kiến giữa khoa học chính xác (khoa học rắn) và khoa học xã hội & nhân văn và bởi những quan niệm mang tính giáo điều, chẳng hạn như quan niệm “dĩ Âu vi trung”, “dĩ Mỹ vi trung”. Ngày nay, khoa học xã hội ngày càng đóng một vị trí quan trọng bởi sự tác động của nhiều yếu kết hợp: sự suy yếu của các ý thức hệ mang tính thống nhất hoá, nhận thức rõ hơn về vai trò của khoa học xã hội trong việc nghiên cứu một cách tường tận các vấn đề lớn của xã hội như cơ cấu xã hội và thái độ ứng xử của con người, việc sử dụng một cách hợp lý các phương pháp tiếp cận khác nhau theo hướng phức hợp: giải quyết một vấn đề xã hội bằng việc phân tích sự tác động của nhiều yếu tố ngoại tại và bằng việc xem xét chúng dưới nhiều góc độ khác nhau v.v…

            Trong bài “Thế kỷ XX, thế kỷ của khoa học xã hội”, Peter Wagner đã đặt vấn đề một cách cụ thể liên quan đến tình hình khoa học xã hội trong thế kỷ 20: giá trị phổ biến của khoa học xã hội, tính hữu ích của khoa học xã hội trong việc đưa ra các quyết sách xã hội, mối quan hệ giữa nghiên cứu chuyên ngành và nghiên cứu liên ngành, tính khoa học của khoa học xã hội trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu của các ngành khoa học. Từ cách đặt vấn đề đó, Wagner đã đi đến việc tìm hiểu sự kế thừa và phát triển khoa học xã hội trên thế giới theo dòng chảy lịch sử. Tiếp đến, ông làm sáng tỏ vị thế của khoa học xã hội trong mối quan hệ giữa ba “hệ vấn đề”: thể chế, trí thức và chính trị. Chính cái “kiềng ba chân” này làm bệ đỡ cho sự phát triển của khoa học xã hội. Ông cho rằng: “những dự định của khoa học xã hội đã đứng trước hai bối cảnh: một bên là các thể chế chính trị của các Nhà nước – dân tộc, một bên là thể chế trí tuệ của các trường đại học hướng về nghiên cứu.”[iv]

Từ cách nhìn đó, Wagner đi vào nghiên cứu quá trình phát triển của khoa học xã hội trong thế kỷ 20. Tác giả nhấn mạnh đến quá trình quốc tế hoá của khoa học này. Quá trình đó xuất phát từ mâu thuẫn của giáo dục đại học và công tác nghiên cứu khoa học. Chính nhu cầu đa dạng hoá kiến thức có giá trị toàn cầu đã thúc đẩy các trường đại học phát triển các mối quan hệ giao lưu, trao đổi khoa học, tăng cường “tính quốc tế” trong giáo dục và nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Wagner cũng đã làm nổi bật được sự đối lập giữa quan niệm bá chủ và quan niệm quốc tế hoá trong khoa học xã hội và nhân văn. Một mặt người ta cho rằng khoa học xã hội gắn liền với bản sắc xã hội của từng dân tộc, mặt khác khoa học này cần thiết phải hoà nhập với dòng chảy tri thức của thế giới. Tất nhiên ở đây nảy sinh vấn đề xung đột văn hoá và ngôn ngữ và sự đồng tồn của nhiều khuynh hướng xã hội khác nhau.

Nhưng vấn đề lợi ích của khoa học xã hội mới là vấn đề đáng làm sáng tỏ nhất trong thời đại ngày nay. Vốn lu mờ trong một thời gian dài so với khoa học chính xác, khoa học xã hội đã dần dần lấy lại vị thế với tư cách là điểm tựa của kế hoạch hoá xã hội hay phương thức vận hành khoa học xã hội ứng dụng. Theo Wagner, “khoa học xã hội đóng vai trò trực tiếp trong định hướng kế hoạch hoá nhờ những cách định hướng lại quan trọng về trí thức…”[v] Công tác kế hoạch hoá đặc biệt được chú trọng ở mảng kinh tế. Trong khi Rudolf Hilferding, nhà kinh tế học người Áo, đưa ra khái niệm “chủ nghĩa tư bản có tổ chức” thì trong những năm 1930, các nhà kinh tế thuộc Viện Kinh tế thế giới ở Kiel đã tham gia cuộc tranh luận sôi nổi về kế hoạch hoá kinh tế. Ngoài ra, kế hoạch hoá lao động cũng đã trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận của các nhà khoa học xã hội người Bỉ, Hà Lan, Pháp. Hendrik De Man, một nhà tâm lý học người Bỉ, chẳng hạn, đã làm sáng tỏ vấn đề xã hội và triết học của kế hoạch hoá xã hội theo hướng cải cách và theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình nghiên cứu về kế hoạch hoá lao động, nhà tâm lý học này đã tìm thấy trong chủ nghĩa xã hội “ý chí và biểu hiện” hơn là sự phô trương vật chất.

Lợi ích của khoa học xã hội bộc lộ rất rõ trong xu hướng thực nghiệm của nó. Khoa học xã hội thực nghiệm vốn có chức năng “bảo đảm cho việc truyền tải những hiểu biết về nhân dân tới những tinh hoa của xã hội”[vi], […] nhưng lại “chủ trương rằng các loại tri thức thu nhận được đã khuôn theo quan điểm của các tinh hoa về tính khả thi của chính sách, và như vậy chúng được xác định trong các điều kiện của hợp đồng nghiên cứu.”[vii] Đây là một vấn đề nhạy cảm của khoa học xã hội. Nó liên quan đến mối quan hệ giữa các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách. Lý tưởng của khoa học xã hội ứng dụng, đó là nghiên cứu thực trạng xã hội và kết quả nghiên cứu sẽ được các nhà quản lý tham khảo và dựa vào đó để hoạch định chính sách sao cho phù hợp với thực tế. Trên thực tế, ngay từ những năm 1930, nghiên cứu khoa học xã hội thực nghiệm đã được triển khai ở Hà Lan trong dự án tiêu nước cho các vùng đất lấn biển ở vịnh Zuiderzee và dự án di dân tới đó. Qua dự án này, H.N. ter Veen đã chỉ ra sự đóng góp của phương pháp tiếp cận xã hội học trong kế hoạch hoá xã hội. Về phương pháp, khoa học xã hội thực nghiệm viện đến cách tiếp cận theo thuyết hành vi (béhaviorisme), tức xem xét tính cách và hành vi ứng xử của con người, để từ đó tìm được những tính quy tắc của xã hội.

Như trên đã đề cập, nói đến khoa học xã hội, chúng ta không thể không nói đến vai trò của các trường đại học, đặc biệt trong việc triển khai các môn học liên quan tới khoa học này. Wagner cho rằng sự hình thành của khoa học xã hội với tư cách là các môn học là không đồng đều. Việc đưa các môn khoa học xã hội như xã hội học hay nhân học vào chương trình đại học luôn luôn gặp trở ngại về mặt thể chế. Wagner lấy ví dụ Trường Đại học Oxford, một trường đại học danh tiếng của Anh luôn ưu tiên các môn học như “triết học, chính trị học và kinh tế học”[viii] và không hề dành chỗ cho xã hội học và nhân học, hoặc vào năm1906, Benedetto Crose, một nhà nghiên cứu người Ý đã xem xã hội học như “một sự pha trộn hỗn nhập của khoa học tự nhiên và đạo đức.”[ix] Sự xem nhẹ đó thể hiện những trở ngại của những môn học này trong quá trình thể chế hoá. Quả vậy, các trường đại học luôn phải đứng ở vị thế nước đôi trước các bộ môn khoa học xã hội vì các nhân tố như tiêu chuẩn vạch ra ranh giới giữa các môn học, nhu cầu xã hội về tri thức và tính liên ngành của các môn học. Việc phân biệt giữa các môn học khoa học xã hội phải dựa trên những tiêu chí nào? Tuỳ theo lĩnh vực nghiên cứu, tuỳ theo phương pháp tiếp cận tri thức hay dựa vào tính đa dạng của các phương thức lý thuyết hoá? Chính sự mập mờ về tiêu chí này đã khiến Max Horkmeimer, vào năm 1931, đã nêu lên “sự chuyên môn hoá hỗn độn”[x] của các khoa học xã hội và Adormo gọi khoa học này là mang tính “phi bộ môn” (non-disciplininaire). Điều này giải thích tại sao, cho đến hôm nay, nhiều nhà nghiên cứu vẫn đang tìm cách xác định ranh giới rõ ràng cho khoa học xã hội và đem lại cho khoa học này một sự chính thống, một sự tự chủ về lĩnh vực nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và thể chế nghiên cứu.

Tóm lại, khoa học xã hội vẫn giao động không ngừng giữa tính đặc thù và tính phổ biến, giữa tính cục bộ và sự đa dạng hoá, giữa truyền thống và hiện đại, giữa chuyên ngành hẹp và chuyên ngành mở. Tính hữu ích của khoa học xã hội không chỉ hạn chế ở việc làm sáng tỏ về mặt lý thuyết mà còn phải làm nền tảng “tri thức luận, bản thể luận và phương pháp luận”[xi] cho việc tiếp cận các vấn đề xã hội. Điều này chỉ thật sự khả thi nếu như các nhà lãnh đạo hiểu rõ bản chất của các kiến thức khoa học xã hội. Đó không hẳn là việc đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu một vấn đề xã hội cụ thể, đó còn là việc phát huy vai trò phổ biến tri thức của loại hình khoa học này. Ở cấp độ các môn học ở các trường đại học, khoa học xã hội phải vượt qua quan niệm truyền thống về mô hình môn học, nó phải hướng đến sự đa dạng, tính đa ngành, khả năng sáng tạo và cách thức tư duy linh hoạt: “Nếu khoa học xã hội nối lại mối liên hệ với triết học và sử học, đồng thời với văn học và ngữ văn nói chung, và tập sống với những ranh giới rộng mở, thì chính sức mạnh của chúng sẽ xuất hiện lại và những trao đổi sáng tạo sẽ có thể lại được tạo ra.”[xii]

Nguyễn Duy Bình



[i] Gồm Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Đức Diệu, Phạm Khiêm Ích và các dịch giả Chu Tiến Anh, Vương Toàn, Mai Xuân Bình, Nguyễn Cảnh, Vũ Thuỳ Dương, Vương Sơn Hà, Nguyễn Thị Nhung, Lê Thanh Tùng, Vũ Văn Sơn.

[ii] Tr. 15.

[iii] Tr. 16.

[iv] Tr. 43.

[v] Tr. 56.

[vi] Tr. 60.

[vii] Ntr.

[viii] Tr.72.

[ix] Ntr.

[x] Tr. 79.

[xi] Tr. 43

[xii] Tr. 90.