Ngày 20-21/2, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia và Hội đồng Anh tổ chức Tọa đàm "Dạy và học ngoại ngữ: Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường".

Quang cảnh tọa đàm
Tọa đàm có sự tham gia của 70 đại biểu trực tiếp và 100 đại biểu trực tuyến, bao gồm: đại diện Bộ GDĐT, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện một số Sở GDĐT, các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý giáo dục, giảng viên và giáo viên.
Tọa đàm được tổ chức với mục đích đánh giá bối cảnh dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam, xác định khoảng cách và cơ hội, tập trung vào ba lĩnh vực: thành tích học sinh, chất lượng giáo viên và tiếng Anh trong giáo dục; thu thập ý kiến của các bên liên quan về ưu tiên và tính khả thi của các khuyến nghị chính sách; khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan trong quy trình xây dựng và thay đổi chính sách.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Tọa đàm "Dạy và học ngoại ngữ: Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường" được tổ chức trong bối cảnh việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên và từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Chính trị đề ra tại Kết luận số 91-KL/TW.

GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu tại tọa đàm
Kết luận số 91-KT/TW nêu rõ: "Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học...". Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 của ngành Giáo dục cũng đặt ra yêu cầu: “Nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học".
“Việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh không chỉ là một nhiệm vụ giáo dục mà còn là chiến lược quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt, việc sử dụng ngoại ngữ như một phương tiện giảng dạy trong các môn học khác nhau, không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn giúp các em học sinh rèn luyện khả năng tư duy đa chiều, linh hoạt và sẵn sàng thích nghi với những thách thức mới”, GS.TS Lê Anh Vinh chia sẻ.
Nhận định đây là nhiệm vụ khó khăn, không thể thực hiện nhanh chóng, nhưng để đạt được mục tiêu như kỳ vọng, GS.TS Lê Anh Vinh cho rằng, chúng ta phải đặt ra kế hoạch rõ ràng và có lộ trình cụ thể. Mỗi cơ sở giáo dục cần có kế hoạch đưa tiếng Anh vào nội dung chương trình giảng dạy của nhà trường, để tiếng Anh trở thành công cụ giáo dục, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở một cấp độ nào đó.

TS Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ GDĐT chia sẻ tại tọa đàm
Theo TS Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ GDĐT, các chính sách liên quan đến phát triển ngoại ngữ đang là nhu cầu cấp bách cho tất cả các trường từ phổ thông đến đại học. Với xuất phát điểm của mỗi cơ sở giáo dục là khác nhau, với nhiều khó khăn, nhưng để đạt được mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, cần phải chuẩn bị sẵn sàng các bước để hiện thực hóa điều đó trong tương lai. TS Nguyễn Thị Mai Hữu mong muốn thông qua tọa đàm sẽ thu nhận được nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp của các bên liên quan để thực hiện hiệu quả các hoạt động tiếp theo.
Trong ngày đầu tiên, với tổng quan về thành tựu và thách thức của việc dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam, các đại biểu tại tọa đàm thảo luận chuyên sâu về kết quả học tập của học sinh, chất lượng giáo viên và việc triển khai giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh. Các giảng viên, giáo viên, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và các tổ chức quốc tế đã báo cáo thực trạng, đối thoại mở về các ưu tiên và thách thức, cùng thảo luận chuyên sâu về các khuyến nghị chính sách.

Đại biểu dự tọa đàm
Nhiều chuyên gia cho rằng, để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, cần phải có lộ trình nhất định, hoàn thiện cơ sở pháp lý, với những đề án cụ thể, tập trung chú trọng nâng cao cả về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên.
Những đánh giá, kiến nghị tại tọa đàm sẽ góp phần hiệu quả trong việc hướng tới lộ trình phát triển giáo dục tiếng Anh tại Việt Nam giai đoạn 2026-2030, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.