Thực hiện Công văn số 1198/BGDĐT-GDĐH ngày 20/3/2025 về việc tham dự Tọa đàm chuyên gia lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định về phát triển và khai thác nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học của Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Vinh đã cử thạc sĩ Nguyễn Đức Bình - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào tham dự.

Tọa đàm được tổ chức vào ngày 04/04/2025 tại Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, dưới sự chủ trì của tiến sĩ Đặng Văn Huấn, Phó Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Đại học. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo của các trường đại học và nhiều chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực giáo dục, công nghệ thông tin, thư viện, pháp lý và chính sách công...


 

Phát biểu khai mạc, tiến sĩ Đặng Văn Huấn đã trao đổi, chia sẻ, nhấn mạnh về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Tọa đàm cũng như tính cấp thiết của Nghị định Quy định về xây dựng, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học. Đồng thời, khẳng định các ý kiến góp ý sâu của các chuyên gia và đại biểu lãnh đạo từ các trường đại học sẽ góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện dự thảo Nghị định, xây dựng hành lang pháp lý cho tài nguyên giáo dục mở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ, khai thác tài nguyên giáo dục mở trong hệ thống đại học tại Việt Nam.

 

 

Tọa đàm gồm một số tham luận chính, góp ý chuyên sâu và tập trung vào các khía cạnh khác nhau về xây dựng, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học và các phiên thảo luận mở giữa các đại biểu nhằm trao đổi, làm rõ hơn những vấn đề được trình bày.

Tham luận 1: Góp ý chuyên sâu về “Quy định giấy phép mở, quyền sử dụng, trách nhiệm triển khai, quản lý và tính thực tiễn trong việc khai thác tài nguyên giáo dục mở” do chuyên gia Lê Trung Nghĩa, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam góp ý, trao đổi, chia sẻ.

Tham luận 2: Góp ý chuyên sâu về “Quy trình xây dựng, phát triển tài nguyên giáo dục mở: từ các quy định đến thực tiễn triển khai” do chuyên gia Trần Thị Thúy Kiều, Trung tâm Thông tin Thư viện, Đại học Nguyễn Tất Thành góp ý, trao đổi, chia sẻ.

Tham luận 3: Góp ý chuyên sâu về “Quy trình thẩm định, công bố tài nguyên giáo dục mở và Quyên, nghĩa vụ của các bên liên quan” do chuyên gia Đỗ Văn Hùng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN góp ý, trao đổi, chia sẻ.

Tham luận 4: Góp ý chuyên sâu về “Khai thác và sử dụng tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học: từ kinh nghiệm quốc tế đến thực tiễn triển khai. Quyền và lợi ích của những nhóm đối tượng sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu” do chuyên gia Huỳnh Ngọc Mai Kha, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng góp ý, trao đổi, chia sẻ.

Tham luận 5: Góp ý chuyên sâu về “Chính sách khuyến khích và hỗ trợ thúc đẩy tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học” do chuyên gia Võ Nguyễn Quốc Bảo, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang góp ý, trao đổi, chia sẻ.


 

 

        Các tham luận và ý kiến thảo luận tại buổi tọa đàm tập trung làm rõ bối cảnh, lý do và cơ sở pháp lý của việc xây dựng Nghị định như: sự cần thiết của tài nguyên giáo dục mở trong việc hỗ trợ phổ cập giáo dục và tăng cường khả năng tiếp cận học liệu cho người học; khoảng trống pháp lý trong hệ thống hiện hành, khẳng định sự cần thiết phải có một khung pháp lý riêng điều chỉnh về OER - tài nguyên giáo dục mở; các khía cạnh pháp lý về sở hữu trí tuệ, cấp phép mở, cơ chế bảo hộ tài nguyên,… cho thấy đây là một vấn đề đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan; kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất chính sách.

        Buổi Tọa đàm đã ghi nhận nhiều báo cáo chất lượng, nhiều ý kiến đóng góp xác đáng và thiết thực. Các đại biểu đều thống nhất rằng Nghị định về tài nguyên giáo dục mở sẽ là nền tảng pháp lý quan trọng để thúc đẩy bình đẳng trong tiếp cận tri thức, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển xã hội học tập và hội nhập với xu hướng toàn cầu về giáo dục mở.



Kết luận Tọa đàm, Phó Vụ trưởng Đặng Văn Huấn ghi nhận và đánh giá cao tất cả các ý kiến đóng góp của đại biểu. Những ý kiến này sẽ là nguồn tham khảo quan trọng trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định, hướng tới một hệ sinh thái giáo dục mở, bền vững, vì người học và sẽ được tổng hợp, phân tích, chỉnh sửa vào dự thảo Nghị định, mở ra hành lang pháp lý đồng bộ, minh bạch và tiên tiến cho tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam (Bài viết có sử dụng một số thông tin và hình ảnh từ https://sim.ussh.vnu.edu.vn)

 

 

(Nguyễn Đức Bình - Thư viện NTH)