Được sự đồng ý của lãnh đạo Trường
Đại học Vinh, ngày 04/7/2025, Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào đã
cử đoàn cán bộ tham dự Hội thảo với chủ đề “Thư viện đại học, cao đẳng với hoạt
động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhà
trường” tại Trường Cao đẳng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Du (Hà Tĩnh).
Hội thảo được tổ chức dưới sự phối hợp và chủ trì của Viện Nghiên cứu và Phát
triển Tri thức số (IDK), thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và
Liên Chi hội Thư viện đại học, cao đẳng các tỉnh phía Bắc (NALA) và Trường cao
đẳng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Du.

(Toàn
cảnh Hội thảo. Ảnh: https://baohatinh.vn/)
Hội thảo được tổ chức trang trọng
và có sự tham dự của ThS. Kiều Thúy Nga, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ
Văn hóa - Thể thao và Du lịch; ThS. Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt
Nam; TS. Nguyễn Huy Chương, Chủ tịch Liên hiệp Thư viện đại học khu vực phía
Bắc; ThS. Phạm Ngọc Lan, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Phát triển tri
thức số, Trưởng ban hỗ trợ khối trường ĐH, CĐ Việt Nam; ThS. Hoàng Dũng, Phó
Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển tri thức số - Giám đốc Trung tâm Kết
nối Tri thức số; PGS.TS. Trần Thị Quý, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện
Nghiên cứu và Phát triển tri thức số; TS. Đặng Thị Thúy Hằng, Bí Thư, Hiệu
trưởng và ThS. Lê Thị Cần, Phó Hiệu trưởng của Trường Cao đẳng Văn hóa, Thể
thao và Du lịch Nguyễn Du, Hà Tĩnh; các nhà khoa học, chuyên gia và gần 150 đại
biểu là lãnh đạo, chuyên viên thư viện của các trường đại học, cao đẳng khu vực
phía Bắc. Về phía Thư viện Nguyễn Thúc Hào, Trường Đại học Vinh, có ThS. Nguyễn
Đức Bình, Giám đốc và các cán bộ của đơn vị cùng tham dự.

(Lãnh
đạo và đại biểu tham dự Hội thảo)

(Chủ
trì Hội thảo)
Hội thảo không chỉ là một diễn đàn
để chia sẻ tri thức mà còn là nơi các nhà khoa học, chuyên gia và nhà quản lý
cùng nhau thảo luận, định hướng cho sự phát triển của thư viện học thuật trong
bối cảnh mới, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của Nghị quyết số
57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển
đổi số quốc gia. Sau đây chúng tôi khái quát các nội dung cơ bản đã được các
nhà khoa học, chuyên gia báo cáo tại Hội thảo.
1. Tăng cường nguồn lực thông tin số để hỗ trợ nghiên cứu và
đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 57, do thạc sĩ Hoàng Dũng, Phó
Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển tri thức số - Giám đốc Trung tâm Kết
nối Tri thức số trao đổi và chia sẻ.
Với nội dung này, ThS. Hoàng Dũng đã
mang đến hội thảo những chia sẻ thực tiễn quý giá về việc xây dựng và phát
triển các nền tảng thông tin số và đi sâu vào vai trò của thư viện trong việc
tăng cường nguồn lực thông tin số, một yếu tố cốt lõi để thúc đẩy nghiên cứu và
đổi mới sáng tạo. Trong đó nhấn mạnh: Các thư viện học thuật cần đóng vai trò
tiên phong trong việc cung cấp nguồn lực thông tin số chất lượng cao, đáp ứng
nhu cầu nghiên cứu liên ngành và đổi mới sáng tạo. Kinh nghiệm của Viện IDK,
với sự hỗ trợ từ VASTI, cho thấy việc xây dựng các cơ sở dữ liệu số tích hợp
AI, điện toán đám mây và các công nghệ tiên tiến như blockchain có thể biến thư
viện thành “trái tim” của hệ sinh thái nghiên cứu. Những nền tảng này không chỉ
hỗ trợ truy cập tài liệu mà còn tạo điều kiện để các nhà khoa học, giảng viên
và sinh viên khai thác dữ liệu lớn, phân tích thông tin và phát triển các giải
pháp công nghệ mới, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của giáo dục
Việt Nam.


2. Tăng cường năng lực AI cho thư viện - Hướng tiếp cận
chiến lược trong bối cảnh triển khai Nghị quyết 57, do PGS.TS. Đỗ Văn Hùng, Phó
chủ tịch Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam, Trưởng khoa Thông tin -
Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội trao
đổi và chia sẻ.
Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh
vực quản lý thông tin và thư viện học thuật, PGS.TS. Đỗ Văn Hùng đã trình bày
một góc nhìn sâu sắc về việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động thư
viện. Phó Giáo sư nhấn mạnh: “Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, các
thư viện đại học cần tận dụng AI để tối ưu hóa quy trình quản lý, truy xuất và
cung cấp thông tin, từ đó đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của giảng viên, sinh
viên và nhà nghiên cứu”.
Với các nội dung đã trình bày, trao
đổi, chia sẻ, PGS.TS. Đỗ Văn Hùng đã làm sáng tỏ tiềm năng của AI trong việc
cách mạng hóa thư viện học thuật, từ tự động hóa các tác vụ như phân loại tài
liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu thông minh, đến cung cấp các dịch vụ tri thức cá
nhân hóa, giúp người dùng tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Những ý tưởng này không chỉ mang tính lý thuyết mà còn mang lại giá trị thực
tiễn, định hướng cho sự phát triển của thư viện trong thời đại số.



(PGS.TS.
Đỗ Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam, Trưởng
khoa Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc
gia Hà Nội trao đổi và chia sẻ)
3. Giải pháp xây dựng thư viện thông minh trong hoạt động
thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trường học, do nhóm cộng
đồng của Đào Ngọc Hoàng Giang trao đổi và chia sẻ.

Mô hình thư viện thông minh UC được
giới thiệu cùng tham luận Giải pháp xây dựng thư viện thông minh trong
hoạt động thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trường học.
Đây là một giải pháp tích hợp công nghệ tiên tiến để quản lý không gian thư
viện, cung cấp dịch vụ tri thức và hỗ trợ nghiên cứu đa ngành. Những giải pháp
này không chỉ giúp nâng cao năng lực của thư viện mà còn tạo ra một hệ sinh
thái giáo dục liên kết chặt chẽ, nơi thư viện, giảng viên, sinh viên và doanh
nghiệp cùng hợp tác để tạo ra những giá trị mới. Đồng thời, nhấn mạnh việc xây
dựng thư viện thông minh, một mô hình được xem là tương lai của thư viện học
thuật. Thư viện thông minh không chỉ là nơi lưu trữ tài liệu mà còn là không
gian tích hợp công nghệ, cung cấp các dịch vụ tri thức tiên tiến và hỗ trợ
nghiên cứu đa ngành.

4. Phát triển dịch
vụ tri thức hỗ trợ nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu đại học nghiên cứu, đổi mới và
sáng tạo, do Ths, Hoàng Văn Dưỡng, Trung tâm Thư viện và Tri thức số, Đại học
Quốc gia Hà Nội trao đổi và chia sẻ.
Với nội dung trên, tham luận đã làm
rõ cách thức thư viện có thể cung cấp các dịch vụ tri thức tiên tiến, hỗ trợ
các trường đại học chuyển đổi thành các đại học nghiên cứu hàng đầu. Đồng thời,
đề ra các tiêu chí đối với đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo


5. Nghị quyết 57 - Cơ hội và thách
thức với các thư viện học thuật
Tác giả tham luận đã đi sâu phân
tích những cơ hội mà Nghị quyết 57-NQ/TW mang lại, chỉ ra những thách thức về
hạ tầng, nguồn nhân lực và chính sách mà các thư viện cần vượt qua để đáp ứng
yêu cầu của thời đại. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang định hình
lại mọi lĩnh vực của đời sống, thư viện đại học và cao đẳng đã vượt xa vai trò
truyền thống là nơi lưu trữ tri thức để trở thành trung tâm kết nối, thúc đẩy
nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

6. Kết nối tri thức toàn cầu và AI -
Giải pháp từ iGroup thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển
đổi số tại Việt Nam, do ThS. Nguyễn Thùy Linh, Giám đốc Dự án Văn phòng đại
diện iGroup Việ Nam trao đổi và chia sẻ.
Tham luận đã giới thiệu các giải
pháp kết nối tri thức toàn cầu thông qua các nền tảng công nghệ tiên tiến, nhấn
mạnh vai trò của các đối tác quốc tế trong việc hỗ trợ chuyển đổi số tại Việt
Nam.


Các tham luận khác tại Hội thảo cũng
mang hàm lượng khoa học cao, được trình bày từ nhiều khía cạnh và góc độ, tạo
nên một bức tranh toàn diện về vai trò của thư viện học thuật trong bối cảnh
mới.
Hội thảo cũng là dịp để các đại biểu
thảo luận về những thách thức mà hệ thống thư viện đại học, cao đẳng đang đối
mặt trong quá trình chuyển đổi số. Một trong những vấn đề nổi bật là sự thiếu
hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng làm chủ các công nghệ tiên tiến
như AI, dữ liệu lớn hay Internet vạn vật (IoT). Để giải quyết vấn đề này, các
tham luận đã đề xuất nhiều giải pháp chiến lược, bao gồm tăng cường đào tạo cán
bộ thư viện về kỹ năng số, xây dựng các chương trình hợp tác với doanh nghiệp công
nghệ để chuyển giao công nghệ, và thiết lập các trung tâm đổi mới sáng tạo
trong khuôn viên trường học.
Hội thảo đã khẳng định vị trí then
chốt của thư viện học thuật trong việc hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng đáp
ứng những yêu cầu mới của thời đại. Đây là nơi quy tụ các nhà quản lý, chuyên
gia đầu ngành, cán bộ thư viện và các đơn vị liên quan để chia sẻ kinh nghiệm,
thảo luận những giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng lực của hệ thống thư viện,
từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững của giáo dục Việt Nam.

Trong bối cảnh đất nước đang bước
vào một giai đoạn phát triển mới, với những cơ hội và thách thức từ Cách mạng
Công nghiệp 4.0, Hội thảo đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình
chuyển đổi số của hệ thống giáo dục Việt Nam. Thư viện đại học, cao đẳng, với
vai trò là trung tâm tri thức và đổi mới, sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy khoa
học, công nghệ và sáng tạo, góp phần xây dựng một tương lai số hóa, bền vững và
thịnh vượng cho đất nước (Bài viết có sử
dụng một số thông tin và hình ảnh của: https://1thegioi.vn/; https://baohatinh.vn/
và slide của các báo cáo viên).
Một số hình ảnh lưu niệm tại Hội thảo

(Đại
biểu chụp ảnh lưu niệm)

(TS.
Nguyễn Huy Chương - Chủ tịch Liên hiệp Thư viện đại học khu vực phía Bắc khai
mạc Hội thảo)

(TS.
Nguyễn Huy Chương tặng quà lưu niệm cho ThS. Kiều Thúy Nga, nguyên Vụ trưởng Vụ
Thư viện, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch)

(Đoàn
cán bộ Thư viện Nguyễn Thúc Hào tham dự Hội thảo)

(Đoàn
cán bộ Thư viện Nguyễn Thúc Hào chụp ảnh lưu niệm cùng ThS. Nguyễn Hữu Giới, Chủ
tịch Hội Thư viện Việt Nam và ThS. Phạm Ngọc Lan, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên
cứu và Phát triển tri thức số)

(Đoàn
cán bộ Thư viện Nguyễn Thúc Hào chụp ảnh lưu niệm cùng ThS Lê Thị Cần - Phó
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Du, Hà Tĩnh)

(Đại
biểu chụp ảnh lưu niệm trước giờ Hội thảo)
(Bài
& Ảnh: Kim Ngân, Thư viện NTH)